Vì sao tên lửa ATACMS là “lằn ranh đỏ” giữa Nga và Mỹ trong xung đột ở Ukraine?
VOV.VN - Nếu Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine thì điều đó có thể bị Nga coi là động thái vượt lằn ranh đỏ khiến xung đột leo thang
Hệ thống pháo phản lực HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine là trung tâm nỗ lực của Kiev nhằm thực hiện các cuộc phản công vào các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát. Tuy nhiên, Mỹ vẫn từ chối cho phép Ukraine sử dụng hệ thống HIMARS phóng các tên lửa đạn đạo tầm xa. Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) nằm trong danh sách vũ khí mà Kiev mong muốn nhận từ Washington trong những tháng qua. Dù vậy, Mỹ cho rằng tên lửa này có thể khiến Tổng thống Vladimir Putin leo thang căng thẳng nếu nó được phóng vào Nga.
Trên thực tế, hiện nay, một số khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Nga đối mặt với hàng loạt cuộc tấn công. Mới đây, Nga cáo buộc các cuộc không kích UAV vào các căn cứ không quân của nước này ngày 6 và 7/12 là do Ukraine đứng sau. Mặc dù Moscow cho biết tổn thất chỉ ở mức tối thiểu nhưng điều đó cho thấy Mỹ không thể ngăn cản giai đoạn chiến tranh này. Washington cũng phủ nhận sự liên quan đến các cuộc không kích UAV gần đây nhằm vào lãnh thổ Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, Washington "không khuyến khích và cũng không tạo điều kiện" cho các cuộc tấn công UAV của Ukraine nhằm vào các căn cứ không quân của Nga.
Nếu xung đột ở Ukraine tiếp tục leo thang, liệu Mỹ có sẵn sàng cung cấp ATACMS cho Ukraine?
Cho đến nay, hệ thống pháo phản lực HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine không thể phóng ATACMS. Lầu Năm Góc sẽ phải tìm kiếm những bệ phóng có khả năng này hoặc cử các chuyên gia kỹ thuật tới Ukraine để điều chỉnh HIMARS nếu muốn phóng ATACMS. Đây sẽ là một quá trình phức tạp mà Mỹ sẽ không lựa chọn.
Ngoài ra, phương Tây lo ngại Nga sẽ coi các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS vào lãnh thổ nước này là lằn ranh đỏ. Họ cho rằng Moscow sẽ đổ lỗi cho Mỹ về những cuộc tấn công nguy hiểm trên và đáp trả trực tiếp Mỹ hoặc các thành viên NATO. ATACMS có khả năng gây ra tổn thất lớn hơn so với các cuộc tấn công UAV. ATACMS cũng có thể vươn tới lãnh thổ Nga, đặt các cơ sở quân sự và quân nhân Nga trong tình thế nguy hiểm.
Từ cuối tháng 11, Lầu Năm Góc tiết lộ Mỹ đã cung cấp hoặc đang trong quá trình cung cấp 38 hệ thống HIMARS cho Ukraine. Những hệ thống này có thể phóng các tên lửa dẫn đường chính xác cỡ nòng 227mm có tầm bắn khoảng 70km. Hệ thống này được đặt trên xe tải, có thể nhanh chóng lắp đặt sau khi thay đổi địa điểm. Ukraine tuyên bố đã sử dụng HIMARS để gây ra tổn thất đáng kể cho Nga về lực lượng và trang thiết bị quân sự.
Trong khi đó, các tên lửa ATACMS thậm chí có tầm bắn xa hơn, từ 140 - 300km. Tầm bắn này cho phép Ukraine tấn công vào các mục tiêu của Moscow, đặc biệt là tại các căn cứ nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Đó là lý do vì sao Mỹ muốn tránh cung cấp chúng cho Ukraine và họ đã có một số điều chỉnh với hệ thống HIMARS hiện tại để chúng không thể phóng ATACMS./.