Vì sao xe tăng Leopard của Ukraine vẫn sống sót dù bị UAV Nga bắn phá ác liệt?
VOV.VN - Các nguồn tin của Ukraine cho biết, một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 có từ thời Chiến tranh Lạnh của nước này đã sống sót sau hàng chục lần bị máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV FPV) của Nga bắn trúng.
Xe tăng Leopard trúng đòn tập kích ồ ạt của UAV
Điều này nêu bật mối đe dọa của UAV trên chiến trường đồng thời cho thấy hiệu quả hoạt động cùng khả năng sống sót cao của xe tăng Leopard sau khi được Kiev tích hợp nhiều biện pháp bảo vệ khác nhau.
Một video do hãng tin Militarnyi của Ukraine công bố cho thấy chiếc xe tăng đang di chuyển trên một con đường vắng thì bị máy bay không người lái tấn công liên tục. Trong video, chiếc xe tăng bị tấn công từ nhiều hướng khác nhau. Sau đó khi đi trên một con đường rợp bóng cây, nó tiếp tục bị nhắm mục tiêu nhiều lần. Theo nguồn tin của Ukraine, xe tăng Leopard 1A5 đã sống sót sau ít nhất 10 lần bị máy bay không người lái FPV loại bốn cánh quạt bắn trúng.
Đầu tiên, chiếc xe tăng bị lực lượng Nga phát hiện khi đang đứng yên trong một hàng cây. Ở vị trí này, Leopard 1 đã bị 5 máy bay không người lái FPV nhắm tới. "Xe tăng đã chịu được ba phát bắn vào phần đầu xe, hai phát bắn vào bên trái và phía sau thân xe", Militarnyi đưa tin. Sau đó, xe tăng di chuyển khỏi vị trí ban đầu trên hàng cây và đi dọc theo một con đường. Tại đây, xe dừng lại vì một lý do nào đó và tiếp tục bị tấn công. Xe tăng đã bị thêm ba phát bắn từ máy bay không người lái, nhiều khả năng là vào thân xe, phía trên khoang động cơ và hộp số. Nhưng những cuộc tấn công này không đủ để khiến xe trở nên bất động, sau đó phương tiện bắt đầu tiến về phía trước thêm một lần nữa. Nó tiếp tục hứng hai phát bắn tiếp theo vào cùng một vị trí trên thân xe và đợt tấn công này có nguy cơ gây cháy.
Không rõ điều gì đã xảy ra với kíp lái xe tăng, nhưng báo cáo của Ukraine cho biết, nhiều khả năng kíp lái đã kịp thoát khỏi xe tăng trước khi nó bị loại khỏi vòng chiến đấu. Đáng chú ý, hầu hết các phát bắn không nhằm vào khoang lái và khoảng thời gian giữa những lần xuất kích của máy bay không người lái đủ cho binh sỹ sơ tán.
Các biện pháp bảo vệ bổ sung
Giới phân tích cho rằng, sở dĩ chiếc xe có thể chịu được những đợt tấn công liên tục và kíp lái có thể an toàn là nhờ những biện pháp bảo vệ mà Cục Thiết giáp của Lực lượng vũ trang Ukraine bổ sung cho xe tăng Leopard 1.
Biện pháp bảo vệ đầu tiên là đặt giáp lồng trên tháp pháo. Những màn chắn bằng kim loại trên cao này đã trở thành dấu ấn đặc trưng của các xe tăng Ukraine và Nga chiến đấu ở Ukraine. Chúng được thiết kế để đánh lạc hướng máy bay không người lái FPV cảm tử hoặc ngăn chặn ảnh hưởng từ đạn pháo thả từ máy bay không người lái. Ngoài ra, xe tăng cũng có lớp bổ sung bằng lưới, phủ lên trên lồng.
Ngoài lớp giáp bảo vệ thân xe, Leopard 1 cũng có lưới bảo vệ ở một số bộ phận khác và có phần giáp lồng dạng mành ở phần sau của thân xe. Đây cũng là nơi rất dễ bị tấn công.
Giáp lồng dạng mành được thiết kế để bảo vệ phương tiện chống lại đạn nổ lõm hay đạn chống tăng, cần phải nổ ở một khoảng cách nhất định so với mục tiêu để đạt hiệu quả cao nhất. Đạn nổ lõm và đạn chống tăng tái sử dụng thường được trang bị cho máy bay không người lái FPV.
Cuối cùng, là giáp phản ứng nổ (ERA) được bổ sung cho Leopard 1 và các xe tăng khác của Ukraine. Chúng cung cấp khả năng phòng thủ chống lại các loại đạn chống tăng xuyên thủng như đạn chống tăng nổ mạnh (HEAT) và đạn xuyên giáp. Hệ thống giáp phản ứng nổ (ERA) bao gồm các khối thuốc nổ đặt trong các hộp thép bên ngoài giáp chính của xe tăng-thiết giáp, có tác dụng vô hiệu hóa hoặc giảm khả năng công phá của đạn chống tăng, tên lửa của đối phương lên giáp chính của xe. Nguyên lý hoạt động của ERA là sử dụng hiệu ứng nổ lõm của khối thuốc nổ nằm trong hộp thép làm chệch hướng “luồng xuyên”, hoặc làm gẫy thanh xuyên, giảm khả năng xuyên phá động năng của đạn chống tăng.
Trước đó, xe tăng của Ukraine, trong đó có cả những xe tăng do phương Tây cung cấp, được phủ một lớp ngoài bằng hệ thống giáp ERA Kontakt có từ thời Liên Xô, Nga cũng sử dụng loại giáp này để tăng cường khả năng bảo vệ cho nhiều phương tiện khác nhau.
Nếu không có những biện pháp bảo vệ bổ sung nêu trên, "xe tăng Leopard rất có thể đã bị phá hủy ngay từ những đòn tấn công đầu tiên và kíp lái khó đảm bảo an toàn", báo cáo Militarnyi khẳng định.
Xe tăng Leopard 1 ra đời từ những năm 1960. Ban đầu chúng được thiết kế để chống lại các loại mối đe dọa rất khác biệt so với những mối đe dọa gặp phải trên chiến trường ở Ukraine, chủ yếu là pháo chính và súng chống tăng của xe tăng đối phương. Nhưng qua thời gian thử lửa tại Ukraine, chúng được trang bị nhiều biện pháp bảo vệ hữu hiệu hơn.
Nga và Ukraine cũng đã bổ sung các biện pháp phòng thủ phi động lực khác cho phương tiện chiến đấu, chẳng hạn như thiết bị tác chiến điện tử có thể phá vỡ hệ thống điều khiển của máy bay không người lái tấn công. Tuy vậy trong video do Militarnyi công bố, không thấy xuất hiện thiết bị này trên xe tăng.
Bằng cách cung cấp thêm các biện pháp bảo vệ do Tổng cục Thiết giáp phát triển, Ukraine đã chứng minh rằng Leopard 1 cũ vẫn có thể đóng vai trò hữu ích trên chiến trườn. Mặc dù sự hiện diện của nó cũng cho thấy số lượng xe tăng hiện đại hơn mà Ukraine sở hữu khá hạn chế. Tính đến thời điểm hiện tại, Ukraine đã nhận được 155 xe tăng Leopard 1, 31 xe tăng M1A1 Abrams và 29 chiếc Leopard 2A4 do phương Tây cung cấp.
Đức không còn sử dụng xe tăng Leopard 1 nữa, nhưng nước này vẫn còn một số lượng đáng kể xe tăng này trong kho lưu trữ. Tuy nhiên, việc đảm bảo đủ đạn dược cho pháo chính 105mm có rãnh xoắn của dòng xe tăng nay là điều rất khó khăn.