Những "cột mốc sống" nơi ải Bắc Lai Châu
VOV.VN - Bằng tình yêu và trách nhiệm, những người nông dân chân chất trên dải biên giới Lai Châu đã tự nguyện sát cánh cùng lực lượng biên phòng bảo vệ đường biên, mốc giới.
Giờ đây, trên dải biên giới này việc tự nguyện ký kết đảm nhận trông coi đường biên mốc giới không chỉ là của một hay hai hộ gia đình mà đã trở thành phong trào rộng khắp trong đồng bào dân tộc thiểu số. Để rồi, chính họ là những “cột mốc sống” canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc cho nhà nhà bình yên.
Họ - những “cột mốc sống” chỉ là những người nông dân bình thường đến mức tưởng như lẫn vào cỏ cây, hoa lá hay vào sỏi đá nơi biên giới ải Bắc. Thế nhưng, khắp dải quan san trùng điệp, hỏi người dân trong vùng ai cũng biết những nông dân này và đều bảo “muốn tìm nó thì lên đường biên mà tìm”.
Và, thế là chúng tôi lên đường biên với cái hăm hở của người làm báo đi tìm nhân vật. Sau một ngày đường rong ruổi trên chiếc xe máy và đi bộ, một vùng biên cương với sắc màu dân tộc hòa trong ánh nắng vàng óng trải dài hiện ra trong mây trắng rừng xanh khắp dải biên cương huyện biên giới Phong Thổ.
Chiến sỹ biên phòng làm nhiệm vụ bên cột mốc biên giới |
Vóc dáng nhỏ thó, nước da ngăm đen và mái tóc cháy nắng, anh nông dân Ly A Sa, dân tộc Hà Nhì, ở bản Tỷ Phùng, xã Ma Ly Chải – một “cột mốc sống” được người dân nơi đây nhắc nhiều, tiếp chuyện khách ngay bên cột mốc 70. Đúng với tính cách của một người dân tộc địa phương chân chất, thật thà, thích làm hơn nói, Sa bộc bạch câu được câu chăng. Gia đình anh đã cam kết với đồn biên phòng tự quản đoạn biên giới dài gần 11 km, suốt chiều dài qua hai cột mốc 70 và 71. Đó cũng là đoạn biên giới mà gia đình anh hiến đất xây kè, bảo vệ mốc giới cách đây hơn 10 năm.
“Gia đình tôi có ruộng ở gần mốc 70. Mỗi lần đi thăm ruộng tôi đều bảo với vợ con nhớ phải thăm mốc, kiểm tra đường biên. Từ đó, nếu có phát hiện dấu hiệu gì thay đổi hiện trạng đường biên, cột mốc là về báo cáo ngay với đồn biên phòng”, anh Ly A Sa cho biết.
Suốt chiều dài trên 265 km trên tuyến biên giới Lai Châu, việc tự nguyện ký kết trông coi đường biên, mốc giới những năm qua đã trở thành phong trào trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
Từ việc tuyên truyền của lực lượng biên phòng, giờ đây đã có hàng trăm cột mốc sống trên dải biên cương Lai Châu |
Cũng như gia đình anh Lý A Sa, từ nhiều năm nay gia đình ông Chẻo Chỉn Lụ, sinh năm 1962, dân tộc Dao, ở bản Lao Chải, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ đã ký kết tham gia bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 3 km, nơi đặt vị trí cột mốc 72 trên biên giới Việt – Trung. Đồng hành với ông là vợ cùng 9 người con đều hăng hái tham gia và các thành viên trong gia đình cũng coi đây như một niềm vinh dự, tự hào.
Ông Chẻo Chỉn Lụ mộc mạc tâm sự: Hàng ngày, cùng với việc thăm nương thảo quả chạy dọc đường biên, ông và người thân trong gia đình đều không quên thăm cột mốc. Chưa một dấu vết lạ nào trên đường biên, cột mốc có thể qua được mắt ông. Ông nói: việc bảo vệ đoạn biên giới, với cột mốc 72 từ lâu đã trở thành cuộc sống của ông và gia đình. Ông sẽ làm việc này tới khi nào sức khỏe của mình không cho phép mình trèo đèo, leo dốc được nữa. Đất nước mình, biên giới của quốc gia mình, mình không bảo vệ thì ai bảo vệ thay cho mình.
Về nguyên tắc, việc quản lý đường biên mốc giới là nhiệm vụ chính của lực lượng biên phòng. Tuy nhiên, qua gia đình anh Ly A Sa, Chẻo Chỉn Lụ, cũng như hàng trăm hộ gia đình trên dải biên cương Lai Châu đã ký kết với các đồn biên phòng, họ đều có những thông tin cập nhật chính xác nhất và kịp thời báo cáo về tình hình đoạn biên giới mà gia đình mình quản lý với lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương. Từ đó, các đồn biên phòng kịp thời đưa ra những giải pháp xử lý cụ thể, đảm bảo an toàn đường biên, mốc giới, để giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Ông Chang Seo Mi, Chủ tịch UBND xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền với anh Lý A Sa cũng như bà con trong xã là nếu đi làm nương, kiểm tra đường biên, cột mốc, nếu có gì xảy ra là phải báo ngay với cán bộ đồn Sì Lở Lầu và báo trực tiếp với chính quyền xã Ma Ly Chải để kịp thời báo cáo với cấp trên, tìm hướng giải quyết kịp thời”.
Biên giới trong lòng dân và lòng dân chính là biên giới. Khái niệm này không mới nhưng cái mới làm được chính là lực lượng biên phòng Lai Châu đã ghi dấu ấn và tạo niềm tin trong lòng đồng bào, làm cho nó vượt ra khỏi một khẩu hiệu đơn thuần. Để rồi hôm nay, khi bước vào những ngày đầu xuân này, nhịp sống biên cương đã trở lại với bà con nông dân bên câu chuyện ruộng nương; hay những buổi chợ phiên biên giới tấp nập tiếng cười và đó được xem là dấu hiệu của sự bình yên.
Các cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuyên truyền để người dân hiểu về quốc gia, quốc giới |
Đại tá Phan Hồng Minh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cho biết: “Thực hiện phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn bản ở các xã biên giới, ý thức quốc gia, quốc giới, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở biên giới đã chuyển biến rõ rệt. Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc đã phát triển ngày càng sâu rộng. Bà con đã tích cực tham gia cùng bộ đội biên phòng tuần tra, kiểm soát cột mốc đường biên, giữ vững được chủ quyền biên giới lãnh thổ”.
Chiều biên giới bình yên, mùa nào mây cũng trôi. Trước những “cột mốc sống” hiên ngang ngày đêm bám biên, khiến lòng ta ai nấy đều trỗi dậy tình yêu bản làng, quê hương, đất nước. Để rồi khi chia tay, chúng tôi đã thầm ghi nhớ những bóng hình của họ hàng ngày in đậm dưới làn nước trong xanh của các con suối, thỉnh thoảng lại có quãng đỏ rực lên bởi những cánh hoa trạng nguyên trôi về phía hạ nguồn. Lẫn trong màu hoa có màu mắt của các cô gái dân tộc Dao, Hà Nhì, Mông - cái màu mắt thân thương, dễ nhớ biểu hiện sự yên bình trên vùng biên cương xa ngái điệp trùng./.