Tiếng loa Biên phòng Tiền Giang “đánh thức” vùng biên giới
VOV.VN - Những tiếng loa biên phòng vang lên như “đánh thức” vùng biên giới biển, góp phần làm nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với các sự kiện trọng đại của đất nước.
Để thực hiện công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, mà đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid-19 và bầu cử đại biểu Quốc Hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, hiện nay Bộ đội Biên phòng Tiền Giang duy trì hoạt động phát loa tuyên truyền lưu động. Những tiếng loa biên phòng vang lên như “đánh thức” vùng biên giới biển, góp phần làm nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với các sự kiện trọng đại của đất nước.
Tờ mờ sáng, âm thanh vang lên từ các loa di động của cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Tiền Giang đã đánh thức mọi người dân ở biên giới biển Gò Công. Thiếu tá Nguyễn Thành Chiến, chính trị viên Đồn Biên phòng Kiểng Phước cho biết, mỗi ngày vào 5 giờ sáng là các anh trong Đội vận động quần chúng chở loa đi tuyên truyền về bầu cử cũng như phòng chống dịch Covid-19. Công tác này không kém phần vất vả nhưng đây là trách nhiệm chính trị của người lính biên phòng.
“Tiếng loa Biên phòng” do Bộ Chỉ huy Biên phòng Tiền Giang chỉ đạo tổ chức từ năm 2018 ở khắp 3/3 đồn: Kiểng Phước- Tân Thành (huyện Gò Công Đông) và Phú Tân (huyện Tân Phú Đông). Mỗi đồn biên chế từ 1-2 đội làm công tác tuyên truyền lưu động. Phương thức hoạt động của các cán bộ, chiến sỹ biên phòng sử dụng xe gắn máy, xe ba gác (loại xe tự chế) gắn các thùng loa để đi tuyên truyền. Đối với những khu vực hẻo lánh, phương tiện vào không được, các tuyên truyền viên phải vác loa trên vai đến “ từng ngõ, gõ từng nhà” đưa chủ trương, chính sách đến với người dân vùng biên giới.
Gần đây, tiếng loa biên phòng Tiền Giang tuyên truyền dồn dập những thông tin về phòng chống dịch Covid-19 và bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp. Nổi bật là đồn Biên phòng Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông phụ trách địa bàn 3 xã, 1 thị trấn. Nơi đây có Cảng cá Vàm Láng, dân cư đông; trong đó có nhiều ngư dân nên công tác tuyên truyền bằng loa di động rất có hiệu quả.
Nhờ tiếng loa biên phòng mà đến nay đã góp phần để phần lớn ngư dân nhận thức được cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp; vận động người thân, ngư phủ, thuyền viên sắp xếp lại việc đánh bắt hải sản về địa phương thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng kết hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể các địa phương vùng biên giới, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trung tá Nguyễn Hữu Nhâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Kiểng Phước (Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Anh em xác định đây là nhiệm vụ chính trị nên phối hợp các địa phương làm tốt lắm. Tuyên truyền thì mình giao cho đội vận động quần chúng viết tin, bài, Chính trị phó và Chính trị viên duyệt bài, sau đó cho đi phát tại các điểm như Cảng cá hoặc những điểm đông người. Tình hình, các tin mới mình cập nhật trong ngày, có gì mới thì mình cho anh em đi thông báo, tuyên truyền. Trong thời điểm này tập trung 2 việc là bầu cử và phòng chống dịch Covid-19”.
Phục vụ Ngày hội toàn dân, đã có gần 500 lựợt cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng Tiền Giang đi công tác địa bàn, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể các xã, thị trấn biên giới biển tổ chức họp dân, tuyên truyền thu hút hơn 1.700 cử tri dự. Riêng tiếng loa di động của Bộ đội biên phòng có hơn 100 đợt với 210 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia, gần 200 giờ.
Từ nay đến Ngày hội toàn dân 23/5, “Tiếng loa biên phòng” tiếp tục vang lên, các tuyên truyền viên làm việc với công suất, cường độ cao hơn để góp phần thành công sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tiền Giang cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát thì mô hình “Tiếng loa Biên phòng” rất có hiệu quả trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch mà đặc biệt là tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội- Hội đồng nhân dân các cấp. Mô hình này sẽ được Bộ đội Biên phòng duy trì và phát huy hơn nữa trong thời gian tới.
Đại tá Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh: “Chúng tôi đã sử dụng các xe như xe kẹo kéo, dùng thùng loa, kết hợp loa tay, để tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong khu vực biên giới. Tôi thấy mô hình này có hiệu quả, chắc chắn không phải dừng ở đây. Trong thời gian tới, những chủ trương, đường lối của Đảng- Nhà nước của địa phương thì chúng tôi tiếp tục tuyên truyền gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền biên giới biển”.
Có thể khẳng định mô hình “Tiếng loa Biên phòng” của Bộ đội Biên phòng Tiền Giang tuy đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao. Qua công tác tuyên truyền chính trị, các đội tuyên truyền lưu động của bộ đội biên phòng đã “ đánh thức” cử tri vùng biên giới biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang chuẩn bị thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, cầm lá phiếu trên tay bầu chọn ra các đại biểu tài- đức để phụng sự quê hương, đất nước./.