Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng
VOV.VN - Qua 10 năm thi hành Luật, việc thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng ngày càng chặt chẽ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong xã hội.
Sáng 28/11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng”. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.
Điểm đầu cầu trực tuyến tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: Đài PHTH Thái Bình. |
Luật Quốc phòng được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực ngày 1/1/2006. Qua 10 năm thi hành Luật, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang đã quán triệt, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện toàn diện công tác quốc phòng theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế.
Việc thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng ngày càng chặt chẽ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong xã hội, tạo tiền đề, cơ sở để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân trên phạm vi cả nước, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị các đại biểu cho rằng vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập như: Công tác thông tin, tuyên truyền về quốc phòng tuy được quan tâm song nội dung, hình thức chưa phong phú, thiếu tính đa dạng; công tác phối kết hợp trong tuyên truyền đôi lúc chưa chặt chẽ, thống nhất. Cơ chế, chính sách, pháp luật về quốc phòng, an ninh chưa hoàn thiện...
Trung tướng Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả tính bền vững của sự phát triển kinh tế, yêu cầu củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, khoa học công nghệ của quốc gia và huy động công nghiệp dân sinh phục vụ công nghiệp quốc phòng chưa được coi trọng đúng mức. Chưa có chiến lược, cơ chế, chính sách đầy đủ để phát triển mạnh mẽ mô hình công nghiệp lưỡng dụng.
Phát biểu tại hội nghị,Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho rằng, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Điều đó, đặt ra những yêu cầu mới đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của đất nước.
Để tiếp tục quán triệt, thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là những quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và cụ thể Hiến pháp năm 2013, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị: Cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng; phối hợp triển khai có hiệu quả việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn cả nước, đặc biệt là địa bàn trọng điểm; xây dựng lực lượng vũ trang các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: “Cơ quan quân sự các cấp phải làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng quân sự. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền đoàn thể, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện coi đó là yếu tố quan trọng trong giữ gìn an ninh- chính trị, trật tự an toàn xã hội”./.