“Vũ khí thần kỳ” của Nga khiến phòng không Ukraine gặp khó khăn
VOV.VN - Lực lượng không quân Nga đang thả cả trăm quả bom lượn mỗi ngày nhằm vào các vị trí của Ukraine dọc gần 1.000km tiền tuyến. Các quả bom lượn KAB là "một vũ khí thần kỳ" của Nga và Ukraine "trên thực tế không có cách đối phó".
Để hiểu được tình thế của các lữ đoàn Ukraine nguy hiểm như thế nào hiện nay, giới quan sát cho rằng có thể nhìn lại việc Nga thả 125 quả bom lượn mỗi ngày trong một vài ngày đã khiến Lữ đoàn Cơ giới 110, cũng như phòng tuyến của Avdiivka - được cho là thành trì của Ukraine ở phía Đông, đã không thể trụ lại.
Lữ đoàn này có một số vấn đề, đặc biệt là việc thiếu đạn pháo nghiêm trọng giữa bối cảnh gói hỗ trợ lớn cho Ukraine vẫn bế tắc tại Quốc hội Mỹ.
Tuy nhiên, việc Nga triển khai hàng loạt bom lượn KAB đã đẩy sức chống chịu của quân đội Ukraine đến giới hạn. Theo Egor Sugar, một binh lính thuộc Lữ đoàn Tấn công số 3 của Ukraine đã chiến đấu 4 tháng ở Avdiivka: "Những quả bom này phá hủy hoàn toàn bất kỳ vị trí nào".
Sự mở rộng đáng kể hệ thống phòng không của Ukraine góp phần làm giảm ưu thế bom lượn của Nga. Không quân Ukraine đã dịch chuyển một phần hệ thống tên lửa đất đối không Patriot gần tiền tuyến phía Đông hồi tháng 2/2024 và xoay xở để bắn hạ khoảng 13 tiêm kích Su-34 triển khai bom lượn của Nga cùng với các tiêm kích Su-35 hộ tống.
Nhịp độ bom lượn được sử dụng đã phần nào giảm khi các vụ bắn rơi tiêm kích trên gia tăng. Tuy nhiên sau đó, ngày 8/3, một UAV của Nga đã phát hiện ra tổ hợp Patriot đang di chuyển cách tiền tuyến 32km và ra hiệu cho tên lửa đạn đạo Iskander làm nổ tung 2 bệ phóng của Ukraine.
Không quân Ukraine chỉ sở hữu 3 tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất cùng với khoảng hơn 30 bệ phóng. Giữa bối cảnh sự hỗ trợ của Washington cho Kiev tiếp tục bị cắt giảm, Không quân Ukraine có nguy cơ tiếp tục tổn thất hệ thống Patriot.
Vì thế, vào giữa tháng 3, khi việc bắn hạ các oanh tạc cơ triển khai bom lượn chấm dứt, hoạt động ném bom đã được nối lại với số lượng cả trăm quả mỗi ngày. Các chiến thuật tiêu chuẩn của Nga hiện nay là sử dụng tiêm kích Sukhoi thả bom lượn KAB nhằm vào các đơn vị đồn trú của Ukraine và sau đó bộ binh Nga sẽ tấn công thành từng nhóm nhỏ.
Cải tiến chiến thuật và công nghệ trong những tháng gần đây, lực lượng không quân Nga ngày càng chứng minh khả năng hoạt động hiệu quả dọc tiền tuyến trải dài gần 1.000km giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang năm thứ ba. Các máy bay ném bom Su-34 do các chiến đấu cơ Su-35 hộ tống xuất kích hàng trăm lần mỗi ngày, thả những quả bom lượn vệ tinh dẫn đường KAB cách các vị trí của Ukraine khoảng 40km và hỗ trợ lực lượng bộ binh Nga có thể kiểm soát chúng.
Hiện chưa rõ Ukraine có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng của mình hiện tại do bom lượn gây ra hay không. Trung tướng Ukraine Ivan Gavrylyuk cho biết các tiêm kích F-16 do phương Tây hỗ trợ có thể sẽ giúp ích phần nào. Một số nhà phân tích cũng đánh giá, điều này là có thể.
F-16 có hệ thống cảm biến, khả năng tự vệ và các tên lửa tốt hơn các tiêm kích Sukhoi và MiG mà Không quân Ukraine sử dụng hiện tại. Nếu Kiev sẵn sàng triển khai các tiêm kích F-16, dù nước này dự kiến chỉ nhận được 50 - 60 máy bay chiến đấu loại này thì Ukraine có thể có cơ hội đánh bại các oanh tạc cơ triển khai bom lượn.
Tuy nhiên, điều đó sẽ mất một khoảng thời gian trước khi các tiêm kích F-16 đến tay Ukraine với số lượng đủ để tạo nên khác biệt. Cho tới lúc đó, Không quân Ukraine chỉ có thể triển khai các hệ thống phòng không phóng từ mặt đất đối phó với các máy bay ném bom của Nga.
Trừ khi đảng Cộng hòa nhượng bộ và thông qua gói hỗ trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine, nếu không thì Kiev sẽ chưa thể sở hữu đủ hệ thống Patriot để đối phó với các chiến dịch ném bom lượn, hiện là chìa khóa cho các thành quả trên chiến trường của Nga.
"Những nhân tố này cùng một số nhân tố khác sẽ khiến cho lực lượng phòng thủ Ukraine gặp khó khăn trong việc đẩy lùi đối phương", ông Gavrylyuk nói.