Vũ khí Triều Tiên giúp ích gì cho Nga?
VOV.VN - Triều Tiên đang được cho là bán cho Nga hàng triệu quả đạn pháo và rocket, nhiều trong số chúng có thể đã bị niêm cất dài hạn. Nga đã bác bỏ điều này và cho rằng thông tin phía Mỹ đưa ra là thất thiệt. Tuy nhiên hãy phân tích nếu khả năng đó xảy ra thì Triều Tiên có thể bán gì cho Nga?
Chính xác Triều Tiên có thể cung cấp cho Nga vũ khí gì?
Các loại đạn dược mà Triều Tiên được cho là có ý định bán cho Moscow nhiều khả năng là bản sao của vũ khí thời Liên Xô có thể phù hợp với các bệ phóng của Nga. Nhưng vẫn còn những câu hỏi về chất lượng của các nguồn cung và chúng thực sự có thể giúp ích được bao nhiêu cho quân đội Nga.
Bị trừng phạt bởi các lệnh trừng phạt quốc tế và kiểm soát xuất khẩu, Nga vào tháng 8 đã mua máy bay không người lái do Iran sản xuất mà các quan chức Mỹ cho rằng có vấn đề kỹ thuật. Đối với Nga, Triều Tiên có thể là một lựa chọn tốt khác để cung cấp đạn dược, bởi vì Triều Tiên có một kho dự trữ đạn đáng kể, nhiều trong số đó là bản sao của đạn từ thời Liên Xô.
Joseph Dempsey, nghiên cứu về phân tích quốc phòng và quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết: “Triều Tiên có thể cung cấp đạn pháo cũ tương thích với Nga, nước này có nhiều cơ sở sản xuất trong nước để đảm bảo nguồn cung”.
Lee Illwoo, một chuyên gia của Mạng lưới Phòng thủ Triều Tiên tại Hàn Quốc, cho biết cả Triều Tiên và Hàn Quốc đã giữ hàng chục triệu quả đạn pháo mỗi bên kể từ khi tạm đình chiến.
Ông nói, Triều Tiên có thể sẽ bán những quả đạn cũ mà họ muốn thay thế bằng những quả mới hơn cho nhiều hệ thống phóng đã được nâng cấp trong các căn cứ quân sự tiền tuyến của mình.
Ankit Panda, một chuyên gia của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết, việc Triều Tiên ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào vũ khí hạt nhân và tên lửa dẫn đường khiến họ có thể loại bỏ nhu cầu về nhiều loại đạn pháo cũ, không điều khiển từng đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, Bruce Bennett, một chuyên gia an ninh cấp cao của Tập đoàn Rand có trụ sở tại California, cho biết hầu hết các loại đạn có thể được Triều Tiên gửi tới Nga có khả năng là đạn cho các loại vũ khí nhỏ, chẳng hạn như súng trường AK-47 hoặc súng máy.
“Đó không phải là hàng triệu quả đạn pháo và tên lửa”, Bennett nói.
Vũ khí Triều Tiên có tốt không?
Theo đánh giá của IISS, Triều Tiên ước tính có khoảng 20.000 khẩu pháo bao gồm cả các bệ phóng tên lửa đang được sử dụng, một con số mà Dempsey mô tả là “nhiều hơn đáng kể so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.
Các phương tiện truyền thông nhà nước của Triều Tiên đã gọi pháo binh của họ là “cánh tay đầu tiên của Quân đội Nhân dân và cánh tay mạnh nhất trên thế giới” có thể khiến vị trí của kẻ thù thành “một biển lửa”.
Tuy nhiên, các hệ thống pháo cũ, mà đạn dược có thể sẽ được cung cấp cho Nga, có độ chính xác kém. Trong cuộc pháo kích của Triều Tiên vào đảo Yeonpyeong ở tiền tuyến của Hàn Quốc năm 2010 khiến 4 người thiệt mạng, Bennett nói rằng chỉ 80 trong số 300-400 vũ khí mà Triều Tiên bắn ra có khả năng trúng mục tiêu. Trong đánh giá của mình, Lee cho biết khoảng một nửa số quả đạn mà pháo Triều Tiên phóng ra đã rơi xuống biển trước khi tới đảo.
“Đó là màn trình diễn của pháo binh kém chất lượng. Người Nga có thể trải qua điều tương tự nếu nhận đạn của Triều Tiên, điều này sẽ không khiến họ hài lòng”Bennett nói.
Các nhà quan sát nghi ngờ tính hữu dụng của đạn dược Triều Tiên đối với chiến dịch của Nga ở Ukraine. Không rõ tình trạng thiếu đạn dược của Nga nghiêm trọng như thế nào. Vào tháng 7, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên rằng Nga đã tung ra hàng chục nghìn quả đạn pháo mỗi ngày và không thể cung cấp kịp. Dempsey nói: “Nga có các kho dự trữ đáng kể vẫn còn tồn tại, chúng có thể đang ngày càng vơi dần”.
Tên lửa đạn đạo?
Yang Uk, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, cho biết Triều Tiên khó có khả năng cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo mà nước này coi là một phần quan trọng trong các chiến lược quân sự đối với Washington và Seoul.
Nếu Triều Tiên quyết định cung cấp tên lửa cho Nga, nước này cũng cần phải gửi bệ phóng vì Nga không có bệ phóng cho Scud và các tên lửa khác của Triều Tiên. Triều Tiên đã phát triển một tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng cơ động cao, được mô phỏng theo Iskander của Nga. Tuy nhiên, hai tên lửa có kích thước khác nhau, Shin Jongwoo, một chuyên gia quân sự tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul nhận định.
Sẽ có một số khí tài mà Triều Tiên có thể cung cấp cho Nga, do hai nước sử dụng chung hệ thống vũ khí từ thời Liên Xô. Nhưng loại đạn mà Triều Tiên cung cấp cho Nga “có thể đã cũ và sắp hết hạn sử dụng”, Moon Seong Mook, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc cho biết.
Triều Tiên sẽ nhận lại được gì?
Triều Tiên có thể sẽ muốn thực phẩm, nhiên liệu và các nguyên liệu khác từ Nga vì Triều Tiên gặp khó khăn khi mua những hàng hóa đó từ nước ngoài theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với chương trình hạt nhân của họ.
Ngoài ra, Triều Tiên có khả năng được hưởng lợi dưới hình thức chuyển tiền mặt từ Nga, hoặc có thể là sự ưu đãi của Nga bao gồm cả việc chuyển giao các vật liệu cần thiết cho sự phát triển của các chương trình tên lửa của Triều Tiên.
Theo Bennett, Triều Tiên sẵn sàng nhận nhiên liệu, thứ Nga rất sẵn. Đối với các loại vũ khí tiên tiến hơn, họ có thể tìm kiếm các công nghệ vũ khí tiên tiến từ Nga, có thể bao gồm cả những công nghệ mà nước này cần cho vụ thử hạt nhân, ông nói./.