5 chiến đấu cơ đáng sợ nhất trên bầu trời Syria
VOV.VN- Cuộc chiến trên không ở Syria đã chứng kiến sự ra mắt lần đầu của một số loại chiến đấu cơ hiện đại nhất đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Không dưới 3 loại chiến đấu cơ mới này đến từ Mỹ và Nga. Tuy nhiên, những chiến đấu cơ phản lực này đều được triển khai cùng với các loại máy bay chiến đấu thế hệ trước vốn được coi là lực lượng chủ lực của cả Mỹ và Nga ở chiến trường Syria.
F-22 Rapter/Mỹ
Được thiết kế với năng lực bay cao, chiến đấu cơ tàng hình siêu thanh F-22 được thiết kế để đối phó với các lực lượng không quân của Nga ở vùng Fulda Gap (giáp Frankfurt/Đức), tuy nhiên chiến đấu cơ này vẫn chưa bắn hạ bất cứ máy bay nào của đối phương.
F-22 Rapter của Mỹ. Ảnh AP |
Thay vào đó, F-22 đã được sử dụng với vai trò không kích chớp nhoáng tiêu diệt các mục tiêu mà gần như không gặp bất cứ trở ngại nào. Bên cạnh đó, với tầm bay cao và hệ thống cảm biến hiện đại, Mỹ đang sử dụng F-22 cho các chuyến bay thu thập thông tin tình báo và nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển.
Cho dù sẽ không đảm nhiệm vai trò bắn hạ máy bay của đối phương thì F-22 cũng đang cho thấy sự hiệu quả cao trong các sứ mệnh ở Syria.
EA-18G Growler/Mỹ
Được nâng cấp từ siêu chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet, EA-18G Growler là chiến đấu cơ điện tử chuyên dụng được thiết kế để gây nhiễu hệ thống radar và thông tin liên lạc của kẻ thù. Đây là vai trò mà Growler vượt trội do có hệ thống cảm biến mạnh bao gồm các thiết bị thu băng tần rộng ALQ-218 và đạn gây nhiễu ALQ-99.
Boeing EA-18G Growler. Ảnh Hải quân Mỹ |
EA-18G Growler không chỉ bảo vệ được các máy bay khác mà còn hỗ trợ tác chiến điện tử cho các lực lượng mặt đất của Mỹ và đồng minh bằng cách gây nhiễu thông tin liên lạc hoặc thậm chí là ném bom không kích.
EA-18G Growler cũng được vũ trang các loại tên lửa AGM-88 và AIM-120 tiêu diệt các hệ thống phòng không và bảo vệ chính mình khỏi các máy bay chiến đấu của đối phương.
Tuy nhiên, EA-18G Growler vẫn là một chiến đấu cơ tương đối mới. Trong những năm tới, EA-18G Growler sẽ trở nên mạnh hơn với các phiên bản gây nhiễu thế hệ mới sử dụng anten quét điện tử chủ động kết hợp các modul thu phát Gallium Nitride. Những phiên bản mới cũng được tích hợp năng lực tác chiến mạng.
Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ sẽ trang bị cho EA-18G các hệ thống kết nối dữ liệu sử dụng công nghệ mạng dò mục tiêu chiến thuật (TTNT) để một đội gồm 3 chiếc EA-18G có thể chủ động xác định mục tiêu chính xác cho một cuộc không kích.
Su-34 Fullback/Nga
Chiến đấu cơ hiện đại nhất của Nga, Su-34, cũng được trình làng lần đầu tiên trên bầu trời Syria mới đây. Su-34 được thiết kế nhằm thay thế cho các đội chiến đấu cơ Su-24 thời Chiến tranh Lạnh của Nga.
Su-34, phát huy được đầy đủ điểm mạnh của dòng Flanker, có năng lực phòng thủ không đối không mạnh. Ngoài tên lửa đối không tầm ngắn R-73, Su-34 còn được trang bị tên lửa đối không tầm xa R-77 dẫn đường bằng radar.
Sukhoi Su-34 Fullback của Nga. Ảnh Military- Today |
Điều này có nghĩa là Su-34 gần như tương đương với chiến đấu cơ Boeing F-15e Strike Eagle của phương Tây. Dòng Fullback có khả năng thực hiện các sứ mệnh không kích “tự hộ tống”, bên cạnh đó còn được trang bị radar quét hậu có thể cảnh báo cho phi công mối đe dọa đến từ phía sau.
Cốt lõi của bộ cảm biến của dòng Fullback là radar quét điện tử thụ động Leninets B-004. Hệ thống này sử dụng công nghệ radar mạng anten tương tự như các phiên bản Flanker khác, tuy nhiên được thiết kế phù hợp nhất cho các chiến dịch không kích các mục tiêu mặt đất. Dòng Fullback được cho là có khả năng tấn công các mục tiêu trên không ở khoảng cách hơn 75 dặm và trên mặt đất ở khoảng cách hơn 60 dặm.
Su-30SM Flanker-H/Nga
Là chiến đấu cơ đa nhiệm được Nga chế tạo để bổ sung cho dòng Sukhoi Su-35S Flanker, Su-30SM đang chủ yếu được sử dụng như một chiến đấu cơ “không đối không” ở Syria hộ tống các máy bay không kích khác của Nga.
Tuy nhiên Su-30SM được trang bị khả năng không kích các mục tiêu mặt đất do được nâng cấp từ phiên bản Su-30MKI Flanker được thiết kế cho Ấn Độ.
Sukhoi Su-30SM Flanker. Ảnh Không quân Nga |
Mặc dù phiên bản của Nga có nhiều điểm riêng và áp dụng nhiều cải tiến khoa học điện tử hàng không, Su-30SM vẫn giữ nguyên năng lực không kích và thậm chí còn đang được sử dụng như một siêu chiến đấu cơ cường kích.
Su-30SM được trang bị radar mạng anten quét thụ động Bars-R, phiên bản radar cải tiến từ radar Bars của dòng chiến đấu cơ MKI của Ấn Độ. Các phiên bản của Nga cũng loại bỏ nhiều bộ phận được thiết kế cho nước ngoài như Israel và Pháp, tuy nhiên vẫn giữ lại màn hình trực diện góc rộng (HUD) của Pháp.
Tuy nhiên, do các lệnh trừng phạt của châu Âu, Nga không thể tiếp cận được một số hệ thống điện tử hiện đại để trang bị cho các chiến đấu cơ phản lực hiện đại nhất của mình, do đó rất có thể hệ thống HUD của Pháp sẽ được thay thế bằng hệ thống do Nga sản xuất cho dòng Su-35 trong thời gian tới.
Dassault Rafale/Pháp
Dassault Rafale của Pháp là một trong những chiến đấu cơ hiện đại nhất hoạt động ở Syria và Iraq. Được phát triển trong những năm 1980 để thay thế cho các chiến đấu cơ Mirage 2000, Rafale được biên chế cho không quân và hải quân Pháp.
Khác với Mirage 2000, cho đến thời điểm hiện tại thì Rafale chưa thành công nhiều về mặt xuất khẩu, tuy nhiên điều này đang bắt đầu thay đổi. Nguyên nhân là do Dassault Rafale có giá đắt đỏ, chủ yếu do Pháp tự phát triển các hệ thống của Dassault Rafale của riêng mình.
Hai chiếc Dassault Rafale của Pháp. Ảnh AP |
Rafale cũng được trang bị một hệ thống tác chiến điện tử tối ưu là SPECTRA. Hệ thống này có khả năng tái lập trình và rất hiệu quả, thậm chí có thể đối phó với một số phiên bản xuất khẩu S-300 (đơn vị riêng lẻ, không phải hệ thống tích hợp các S-300).
Rafale cũng được trang bị một hệ thống tầm mục tiêu Damocles – hiện đang được thay thế bằng một phiên bản mới do không cạnh tranh được với các hệ thống tầm mục tiêu Sniper của tập đoàn Lockheed Martin/Mỹ và các phiên bản LITENING do Israel phát triển.
Tóm lại, Rafale là chiến đấu cơ “tuyệt vời” được trang bị hàng loạt hệ thống vũ khí hiện đại do Pháp sản xuất./.