Chương trình hiện đại hóa mang tính cách mạng tăng T-14 Armata

VOV.VN - Nhằm đáp ứng các đòi hỏi của chiến tranh tương lai, Nga đang có chương trình hiện đại hóa mang tính cách mạng đối với tăng T-14.

T-14 Armata - xe tăng thay đổi cán cân quyền lực thế giới

Tăng T-14 Armata (Объект 148) là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hạng nặng thế hệ thứ tư, do Uralvagonzavod thiết kế chế tạo và được biên chế cho Lục quân Nga từ năm 2016. T-14 có khối lượng 48 tấn, dài 10,8m, rộng 3,5m, cao 3,3m, kíp chiến đấu 3 thành viên, có thể đạt tốc độ 90km/h, tầm hoạt động 500km. Đây là xe tăng đầu tiên có tháp pháo không có người bên trong, được điều khiển tự động từ xa, tổ lái được bảo vệ trong một khoang bọc giáp riêng, có khả năng hoạt động tốt trong môi trường nhiễm các tác nhân NBC.

Armata sử dụng hệ thống thông tin-điều khiển tự động bằng công nghệ số, kết nối chỉ huy, hệ thống điều khiển, cùng khả năng dùng UAV trinh sát từ xa. Vỏ giáp T-14 được chế tạo từ một loại hợp kim mới bền chắc hơn thép nhưng lại nhẹ hơn và không bị mất tính năng ở nhiệt độ cực thấp. Ngoài các tấm giáp bảo vệ riêng tổ lái, T-14 có vỏ giáp với mức bảo vệ tốt nhất trên thế giới vào năm 2015.

Vỏ giáp ngoài T-14 được phủ một lớp sơn đặc biệt, làm giảm tín hiệu trong dải quang phổ hồng ngoại và radar, giúp xe trở nên khó bị phát hiện và khóa bắn bởi không quân và tên lửa chống tăng của đối phương. Các cảm biến quang học của Armata cho phép định vị các vật cỡ xe tăng trong điều kiện ban ngày ở tầm 5km, và ban đêm - 4km với thiết bị nhìn hồng ngoại. Máy đo xa laser của T-14 có tầm đến 7,5km, camera có trường nhìn 360°.

Armata được kết nối mạng hiện đại - mọi lực lượng tham chiến, từ sở chỉ huy, binh sĩ và thiết bị trinh sát đều được tích hợp vào một mạng thông tin duy nhất, cho phép hoạt động tác chiến đồng bộ, tăng khả năng phản ứng, cơ động và hiệu quả của các lực lượng chiến đấu. Trong môi trường như vậy, xe tăng không tác chiến đơn lẻ mà sẽ liên kết với hệ thống trinh sát để phát hiện mục tiêu, gọi hỗ trợ từ không quân, pháo binh và bộ binh, thay vì tự mình tìm kiếm và tấn công đối phương.

Xe tăng thế hệ thứ tư T-14 Armata; Nguồn ảnh: i2.wp.com

Để trinh sát, T-14 được trang bị UAV điều khiển bằng cáp (không dùng sóng vô tuyến để tránh bị gây nhiễu), bay trên không với thời gian dài, mang được thiết bị nặng hơn mà không bị hết năng lượng, có thể bay quanh xe tăng trong bán kính 50-100m. Radar di động và thiết bị nhìn ban đêm ảnh nhiệt sẽ giúp UAV có cự ly phát hiện mục tiêu đến 10km ngay cả khi xe tăng địch nấp sau vật cản - ưu thế vượt trội so với các mẫu tăng không được tích hợp UAV.

Vũ khí chính của Armata là pháo 2A82-1M cỡ 125mm L/56 với cơ số đạn 45 viên. Ngoài đạn pháo, một loại tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser mới với tầm bắn 8.000m có thể bắn từ pháo chính. Hệ thống phòng thủ chủ động của T-14 có nhiệm vụ đánh chặn đạn chống tăng từ xa. Với tốc độ Mach 5, nó có thể vô hiệu hóa được cả đạn xuyên giáp động năng (APFSDS), vào thời điểm 2015, trên thế giới chưa có hệ thống có tính năng tương đương.

Hệ thống điều khiển hỏa lực của T-14 bao gồm tổ hợp kính quan sát, ngắm bắn của trưởng xe và pháo thủ; máy tính đạn đạo; hệ thống ổn định vũ khí; thiết bị tự động bám sát mục tiêu, cho phép đo khoảng cách mục tiêu cự ly 5.000m với sai số dưới 10m. Thiết bị ngắm đa kênh cho phép vũ khí trên xe tăng tự động bám theo các mục tiêu chạy ngang hoặc chếch dưới mọi tốc độ. Xe di chuyển với tốc độ 90km/h, kíp lái vẫn có thể khai hỏa và bắn hạ mục tiêu.

Theo các chuyên gia quân sự, T-14 Armata đã định hình các xu hướng chính trong ngành chế tạo xe tăng thế giới trong 20-30 năm tới. Bảng xếp hạng xe tăng mới được World Digital News công bố xếp Armata là loại xe tăng nguy hiểm nhất thế giới hiện tại, đứng trên siêu tăng AMX-56 Leclerc (Pháp), Leopard 2A7 (Đức), Abrams (Mỹ), Merkava (Israel), K2 Black Panther (Hàn Quốc), Type 10 Hitomaru (Nhật Bản) ... T-14 cũng từng được báo chí Thụy Điển xếp vào top 10 loại vũ khí của Nga có thể làm thay đổi cán cân quyền lực thế giới.

Chương trình hiện đại hóa mang tính cách mạng tăng T-14

Cách đây không lâu, một Bộ trưởng Nga cho biết, xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Amatar đã qua "thử nghiệm thực chiến trên chiến trường Syria và đã phát hiện nhiều vấn đề cần được cải biên và hiện đại hóa trong tương lai. Theo giới quan sát, tại Syria, thử nghiệm T-14 không phải là "chiến đấu thực tế" như được giới truyền thông quảng cáo, mà chỉ là thử nghiệm độ tin cậy của các hệ thống và linh kiện như khung gầm xe tăng, sức mạnh, truyền động, tháp pháo, hỏa lực, điều khiển, ...

Tăng T-14 được cho đã qua thử lửa thành công tại chiến trường Syria; Nguồn: defenceforumindia.com

Các nhà phân tích tin rằng "thử nghiệm chiến đấu thực tế" của T-14 ở Syria không gì khác hơn là một chiêu quảng cáo nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Dự kiến, khách hàng truyền thống nhiều khả năng mua T-14 sẽ là Ấn Độ, Iraq, Syria và Ai Cập, cùng các khách hàng tiềm năng khác như Saudi Arabia, UAE và Qatar. Việc sản xuất hàng loạt T-14 đã bắt đầu và trong 5 năm tới, một chương trình mang tính cách mạng để hiện đại hóa các xe tăng hiện có đã được đề xuất, theo Military Watch.

Mới đây, tập đoàn vũ khí Đức Rheinmetall đã thử nghiệm thành công pháo nòng trơn 130mm thế hệ mới, mang lại sức mạnh vượt trội cho xe tăng chiến đấu chủ lực tương lai của NATO. Vũ khí này có khả năng đánh bại các hệ thống bảo vệ tinh vi hơn, cũng như những mối đe dọa ngày càng tăng trên chiến trường hiện đại; pháo 130mm có hệ thống nạp đạn tự động tiên tiến, đáp ứng tốt yêu cầu tác chiến tương lai.

Các chuyên gia Viện Nghiên cứu và Thử nghiệm Xe bọc thép và Vũ khí số 38 (Nga) đã đề xuất tích hợp pháo 152mm lên xe tăng T-14 thay pháo 125mm hiện tại. Pháo cỡ nòng lớn 152mm hiện chỉ được trang bị cho các tổ hợp pháo tự hành, với sức công phá khủng khiếp, nó có thể khiến xe tăng T-14 Armata trở thành phương tiện chiến đấu có sức hủy diệt khủng khiếp - không chỉ có tác dụng nâng cao tầm bắn hiệu quả mà còn phá hủy được mọi xe tăng, thiết giáp và công trình quân sự của đối phương, đảm bảo ưu thế vượt trội của Nga trên chiến trường.

Nga đang có chương trình mang tính cách mạng trong việc hiện đại hóa T-14; Nguồn: wikipedia.org

Trước đây, câu hỏi tương tự đã được đặt ra, người Nga thậm chí đã có chương trình T-95, nhưng thiết kế của loại xe tăng nhẹ hơn không thể chịu được tải trọng. Kích thước của Armata cho phép mang một khẩu pháo lớn, và nếu tích hợp thành công, xe tăng Nga sẽ có lợi thế đáng kể so với tất cả các xe tăng NATO hiện có sử dụng pháo 120mm.

Các chuyên gia của Viện 38 cũng đề xuất hiện đại hóa tháp pháo để tích hợp tên lửa hoạt động nguyên lý "bắn, quên và bắn lại", cũng như lắp đặt máy bay không người lái trinh sát và tiếp đạn trên không, đồng thời bổ sung đạn xuyên giáp siêu thanh dưới cỡ nòng. Cải tiến khác bao gồm trang bị đạn xuyên giáp động năng loại mới, đạn nổ phá mảnh lắp ngòi điện tử… Họ cũng đề xuất trang bị cho T-14 một hệ thống tự động phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trong các khu vực tập kết xe tăng của đối phương ở khoảng cách lên tới 1km, cũng như thiết bị laser để vô hiệu hóa tên lửa chống tăng đang bay tới và hệ thống vô hiệu hóa từ xa các loại mìn chống tăng.

Ngoài ra, các chuyên gia muốn trang bị cho T-14 một động cơ 1.500 mã lực mới, hiệu quả hơn, điều khiển bằng tay kép cả vũ khí và động cơ; tích hợp một nhà vệ sinh và các hệ thống bảo vệ chống lại vũ khí laser, điện từ và vi sóng, cũng như "giáp trong suốt" có khả năng tự động phát hiện mục tiêu ở khoảng cách tới 6km. Giới quân sự Nga tin rằng, đối thủ tiềm năng của họ sẽ tạo ra một thế hệ xe tăng mới vào đầu những năm 2030, do vậy T-14 Armata cần phải hoàn tất quá trình hiện đại hóa trước thời điểm đó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên