Cuộc đua vũ khí siêu thanh định hình tam giác chiến lược Mỹ-Nga-Trung
VOV.VN - Nga, Mỹ và Trung Quốc đang theo đuổi các công nghệ chế tạo vũ khí siêu thanh, tạo tiền đề cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Mỹ
Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ việc tài trợ cho các nghiên cứu liên quan đến công nghệ siêu thanh trong ngân sách tài khóa 2022. Trước đó, chính quyền Tổng thống Biden đã yêu cầu phân bổ 3,8 tỷ USD, cao hơn gần 20% so với mức kinh phí 3,2 tỷ USD mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đề xuất cho năm tài khóa 2021. Mặc dù không có gì đảm bảo đề xuất ngân sách nói trên sẽ được thông qua tại Quốc hội nhưng điều này là chỉ dấu mới nhất về một cuộc chạy đua vũ trang theo mô hình xoắn ốc trong công nghệ siêu thanh.
Báo cáo của Văn phòng Giải trình trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết “có 70 nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh và các công nghệ liên quan với tổng kinh phí ước tính gần 15 tỷ USD từ năm tài chính 2015 đến 2024”, phần lớn trong số này thuộc về Bộ Quốc phòng. Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ông Mike White – người phụ trách chương trình siêu thanh tại Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng, chính các đối thủ của Mỹ đã khiến Washington phải quyết định ưu tiên cho việc phát triển các hệ thống siêu thanh.
Hồi đầu tháng 6/2021, Phó Đô đốc Jon Hill, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) cho biết: “Các tàu sân bay của Mỹ đang đối mặt với mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh đang xuất hiện trong kho vũ khí của các đối thủ của Mỹ. Hải quân Mỹ đã sớm phát triển các biện pháp phòng thủ chống lại mối đe dọa này”. Cả Nga và Trung Quốc được cho là đã phát triển các phiên bản đầu tiên của vũ khí siêu thanh và điều này có thể khiến các tàu chiến Mỹ gặp nguy hiểm.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ đã yêu cầu mức kinh phí 8,9 USD trong năm tài khóa 2020, để phát triển các khả năng như “năng lực đánh chặn thế hệ tiếp theo cho hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa, khả năng phòng thủ siêu thanh và thiết bị theo dõi từ không gian để phát hiện các mối đe dọa”.
Để phòng thủ trước các mối đe dọa siêu thanh, MDA được cho là đang theo đuổi dự án phát triển hệ thống cảm biến không gian theo dõi siêu thanh và đạn đạo (HBTSS). Cơ quan này đã yêu cầu tài trợ 256 triệu USD cho nghiên cứu, phát triển và đánh giá HBTSS.
Trong khi Mỹ đang ở giai đoạn manh nha, thì Trung Quốc và Nga đã theo đuổi việc phát triển các khả năng siêu thanh từ 1 thập kỷ qua. Ông Alexander Fedorov – giáo sư tại Viện Vật lý và Công nghệ Moscow nhận xét rằng, một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra trong lĩnh vực này. Chuyên gia này đánh giá: “Nga có kinh nghiệm nhưng không có nhiều kinh phí, Trung Quốc có nhiều kinh phí nhưng thiếu kinh nghiệm, còn Mỹ có cả 2, mặc dù các nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh của nước này diễn ra muộn hơn so với 2 đối thủ trên. Hiện trò chơi đuổi bắt đang bắt đầu”.
Trung Quốc
Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực siêu thanh và được coi là một nhân tố “đáng gờm”. Giống như Nga, Bắc Kinh lập luận rằng, việc nước này phát triển tên lửa siêu thanh xuất phát từ “mối lo ngại Mỹ có thể sử dụng vũ khí siêu thanh để tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu, phá hủy kho vũ khí hạt nhân và các cơ sở hạ tầng liên quan của Trung Quốc. Hơn nữa, việc Washington triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa có thể làm hạn chế khả năng của Bắc Kinh tiến hành một cuộc tấn công đáp trả Mỹ”.
Trong cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh vào tháng 10/2019, kỷ niệm 70 năm quốc khánh, Trung Quốc lần đầu tiên trình làng tên lửa DF-17, có tầm bắn từ 1.800 đến 2.500 km. Đầu năm 2019, các quan chức quân đội Trung Quốc cho biết, họ đang phát triển phiên bản DF-17 chống hạm.
Mỹ đã biết về sự tồn tại của tên lửa siêu thanh DF-17 vào năm 2014. Năm 2018, ông Mike Griffin khi đó là Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo, Trung Quốc đã “thực hiện các cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh nhiều gấp 20 lần Mỹ trong hơn 1 thập kỷ qua”. Việc phát triển DF-17 và các loại vũ khí siêu thanh khác của Trung Quốc được cho là để “chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, phát triển khả năng tấn công tầm xa nhanh và có độ chính xác cao, khiến đối phương không kịp trở tay”.
Khả năng cơ động cao và khả năng bay ở tầm thấp của phương tiện bay siêu thanh (HGV) khiến chúng rất khó bị theo dõi và khó đoán trước được đường bay. Những tính năng ưu việt này của HGV có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD).
Nga
Nga cũng không chịu kém cạnh trong cuộc đua này. Viện Kinh tế Quốc tế và Quan hệ Đối ngoại (IMEMO) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, vũ khí siêu thanh là “ưu tiên của chính phủ Nga”. Nói về lợi ích của vũ khí siêu thanh, nhà phân tích an ninh người Nga, Dmitry Stefanovich nhận xét: “Chúng cung cấp những khả năng mới cho tên lửa, gia tăng tốc độ và tính cơ động, cũng như cải thiện độ chính xác”. Mặc dù Nga bắt đầu nghiên cứu về công nghệ siêu thanh từ những năm 1980, nhưng chương trình này chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào năm 2001.
Quân đội Nga hiện có hai loại tên lửa siêu thanh: Avangard và Kinzhal. Avangard là tên lửa mang khả năng hạt nhân, có thể bay với tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh. Kinzhal cũng là tên lửa đạn đạo phóng từ trên không, có khả năng hạt nhân, được quân đội Nga thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 12/2017. Theo một số báo cáo đầu năm 2021, Nga đang chuẩn bị trang bị tên lửa Kinzhal cho Hạm đội phương Bắc của nước này. Trước đó vào tháng 10/ 2020, Nga đã phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh Zircon mới từ tàu khu trục Đô đốc Gorshkov ở Biển Trắng.
Theo The Diplomat, các nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh của Mỹ, Nga và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ còn được đẩy mạnh trong tương lai. Ngoài 3 nước này, các quốc gia khác như Ấn Độ và Australia cũng đang theo đuổi các công nghệ siêu thanh theo cách riêng của mỗi nước hoặc theo hình thức hợp tác. Rõ ràng một cuộc chạy đua vũ trang mới về công nghệ siêu thanh đang diễn ra. Một khi cuộc đua này tăng tốc, câu hỏi ai sẽ là người dẫn đầu sẽ vẫn còn ở phía trước./.