“Cứu tinh” của xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams trên chiến trường
VOV.VN - Với khả năng kéo phương tiện nặng tới 80 tấn và nâng các vật thể có trọng lượng 35 tấn, M88A2 Hercules được xem là "cứu tinh" của xe tăng Mỹ trên chiến trường.
Vào tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ chuyển giao cho Ukraine 31 xe tăng M1A2 Abrams, tương đương với một tiểu đoàn xe tăng. Nhưng có một phương tiện khác nằm trong gói viện trợ trị giá 400 triệu USD ít được nhắc đến trên truyền thông là xe cứu hộ bọc thép chuyên dụng M88A2 Hercules của quân đội Mỹ.
M88A2 Hercules được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào những năm 1960 và đã trải qua quá trình nâng cấp suốt nửa thế kỷ để có thể cứu hộ những chiếc xe tăng có kích cỡ và trọng lượng lớn hơn. Mỹ đã quyết định triển khai 8 chiếc M88A2 tới Ukraine. Điều này cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ không chỉ muốn bảo vệ những chiếc xe tăng chủ lực Abrams mà con lo ngại chúng có thể bị bỏ trên chiến trường và rơi vào tay Nga.
Vai trò của M88A2 Hercules
Sự xuất hiện xe tăng, một phương tiện chiến đấu bọc thép, được trang bị vũ khí hạng nặng đã mang đến những thay đổi lớn trong chiến tranh trên bộ vào đầu thế kỷ 20. Giống như tất cả các phương tiện bộ binh khác, xe tăng cũng có thể bị hỏng và đôi khi cần được kéo về căn cứ để sửa chữa. Việc kéo xe tăng trên chiến trường là công việc rất khó khăn, mối đe dọa từ hỏa lực của đối phương, quá trình di chuyển có thể kéo dài và hao mòn quá mức khi hoạt động trong điều kiện thời chiến.
M88A2 Hercules là mẫu xe “nồi đống cối đá” do hãng BAE Systems chế tạo, tuy ra mắt từ đầu thập niên 1990 nhưng hiện nay nó vẫn có giá tới 2 triệu USD. Chiếc xe này được xem như vị cứu tinh của xe tăng Mỹ. Năm 1961, quân đội Mỹ triển khai xe cứu hộ bọc thép chuyên dụng M88 Hercules vào môi trường chiến đấu. M88 được thiết kế để hỗ trợ xe tăng, kéo chúng ra khỏi vũng bùn lầy hoặc các chướng ngại vật khác, thậm chí dựng lại những chiếc xe tăng bị lật và quan trọng hơn là đưa xe tăng bị hỏng ra khỏi tiền tuyến đến nơi sửa chữa.
M88A2 Hercules có lớp giáp bảo vệ dày, giúp cho kíp lái gồm 4 người được an toàn trước súng máy hạng nặng và các mảnh đạn pháo của đối phương. Xe được trang bị động cơ Continental AVDS-1790-8DR diesel công suất 1.050 mã lực, có thể kéo những phương tiện chiến đấu có trọng lượng lên đến 70 tấn ngày nay, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1, M1A2, Leopard…Nó có tời nâng hình chữ A và lưỡi ủi. Lưỡi ủi cho phép Hercules đào sâu xuống đất để đứng vững trong khi kéo những chiếc xe tăng gặp nạn. Tời hình chữ A cho phép Hercules nâng hoặc hạ tháp pháo hay động cơ xe tăng để sửa chữa.
Quá trình nâng cấp Hercules
Mỹ đã nâng cấp xe bọc thép cứu hộ M88 lên phiên bản tiêu chuẩn M88A1, trang bị động cơ diesel Continental AVDS-1790-2DR mạnh hơn có công suất 750 mã lực. M88A1 có thể kéo xe tăng nặng tới 56 tấn và nâng các vật thể có trọng lượng 25 tấn. Tuy vậy, khi quan đội nước này đưa vào sử dụng phiên bản nâng cấp của xe tăng Abrams vào giữa những năm 1980, họ nhận ra rằng, trọng lượng của phiên bản này có thể vượt quá sức kéo của M88A1.
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams đời đầu của Mỹ nặng 55 tấn. Nhưng sau đó nước này đã chế tạo thành công phiên bản nâng cấp M1A1 có trọng lượng lớn hơn, được trang bị lớp giáp sử dụng “uranium nghèo”, nặng hơn thép 2,5 lần, pháo nòng trơn 120 mm lớn hơn và nhiều vũ khí khác. Phiên bản mới nhất của Abrams là M1A2SEPv3, có trọng lượng 73,6 tấn, được cho là một trong những xe tăng nặng nhất thế giới.
Vào những năm 1980 và 1990, quân đội Mỹ đã sử dụng 2 chiếc M88A1 để kéo một chiếc xe tăng M1A1. Nhưng việc triển khai đồng thời 2 phương tiện kéo thực hiện nhiệm vụ không phải giải pháp hiệu quả. Vì thế Mỹ đã tìm cách phát triển phiên bản nâng cấp M88A2 có thể kéo xe tăng nặng tới 80 tấn và nâng các vật thể có trọng lượng 35 tấn. Kể từ đó, xe bọc thép M88A2 trở thành xe cứu hộ hạng nặng.
Bảo vệ bí mật của xe tăng Abrams
Giới phân tích cho rằng, có 2 lý do khiến Mỹ chuyển giao cho Ukraine 31 xe tăng Abrams kèm 8 xe cứu hộ M88A2. Trước hết, Abrams là phương tiện rất phức tạp. Mặc dù quân đội Ukraine được huấn luyện để vận hành và bảo trì xe tăng nhưng họ lại có rất ít kinh nghiệm. Những chiếc xe tăng bị hư hại hoặc hỏng hóc trên chiến trường, cần rất nhiều thời gian sửa chữa và bảo dưỡng. Chúng cần những kỹ sư có kinh nghiệm để bảo trì và hơn hết, cần được kéo ra chiến trường một cách an toàn.
Thứ hai, Mỹ luôn lo ngại trước khả năng Nga tịch thu những chiếc Abrams và khám phá bí mật của nó, theo Popular Mechanic. Quân đội Ukraine được lệnh phá hủy các thiết bị công nghệ cao của phương Tây, chẳng hạn như tên lửa Javelin, nếu chúng có nguy cơ rơi vào tay đối phương. Nhưng một chiếc xe tăng bọc thép nặng 73 tấn lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Nếu một chiếc Abrams của Quân đội Ukraine bị hư hỏng trên chiến trường, Bộ Quốc phòng Mỹ muốn sẵn có các phương tiện để cứu hộ trong thời gian sớm nhất.
Giới phân tích cho rằng, Hercules là phương tiện đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với các đơn vị cơ giới không chỉ ở thời điểm hiện tại mà cả trong tương lai. Bởi một chiếc xe tăng bị bỏ lại trên chiến trường sẽ gây ra vấn đề lớn đối với bất cứ quân đội nào./.