Đánh giá hoạt động của tiêm kích MiG-31 trong xung đột Nga - Ukraine
VOV.VN - MiG-31 được coi là một trong những tiêm kích mạnh nhất thế giới nhờ sở hữu những khả năng ấn tượng và công nghệ tiên tiến.
Khả năng chiến đấu ấn tượng của MiG-31 trong cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến nó vượt trội hơn hẳn so với tất cả các tiêm kích khác từng được triển khai, đồng thời được công nhận như một hệ thống vũ khí hiệu quả cao. Bên cạnh đó, tiêm kích này có thể phát hiện và theo dõi máy bay chiến đấu của đối phương ở khoảng cách xa cũng như phóng tên lửa với độ chính xác ấn tượng.
Theo một thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, trong điều kiện thời tiết khó khăn, phi đội MiG-31 của Hạm đội Thái Bình Dương trong suốt cuộc kiểm tra bất ngờ đã mô phỏng phá hủy máy bay chiến đấu của đối phương đi vào không phận của Nga.
Bộ này cũng cho biết phi đội MiG-31 đã được giao nhiệm vụ đánh chặn chiến đấu cơ xâm nhập. Các phi công đã tìm kiếm và xác định hiệu quả máy bay chiến đấu, theo dõi nó và sau đó phóng tên lửa được mô phỏng. Theo Bộ Quốc phòng Nga, mục tiêu đã bị phá hủy như kế hoạch. Ngoài ra, các tiêm kích cũng thực hiện một số nhiệm vụ huấn luyện trong điều kiện thời tiết thách thức.
Phi đội MiG-31 cũng có thể đóng vai trò xâm nhập. Là một phần trong kế hoạch tập trận, chúng được giao nhiệm vụ tiến vào khu vực thực hiện chiến dịch một cách bí mật.
Mặc dù Không quân Nga có ưu thế về sức mạnh và số lượng so với Không quân Ukraine, nhưng Kiev đã thực hiện hiệu quả chiến lược phong tỏa trên không bằng cách triển khai các hệ thống phòng không.
Dù vậy, MiG-31 Foxhound vẫn là một đối thủ đáng gờm với Không quân Ukaine. Được trang bị các tên lửa tầm xa, MiG-31 đã thực hiện các cuộc tấn công mạnh mẽ vào các vị trí của Kiev. Theo một báo cáo của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), tiêm kích MiG-31 được cho là đã bắn hạ nhiều máy bay chiến đấu của Ukraine bằng tên lửa không đối không Vympel R-37M khi tiến hành các cuộc tuần tra ở độ cao lớn.
RUSI cũng đề cập đến việc máy bay chiến đấu và tên lửa Ukraine gặp hạn chế về tốc độ, tầm hoạt động và độ cao để đối phó hiệu quả với tiêm kích MiG-31.
Trong một bài báo, các chuyên gia quân sự Justin Bronk, Nick Reynolds và Jack Watling cho biết, các cuộc tuần tra phòng vệ của Không quân Nga đã tấn công hiệu quả các chiến đấu cơ của Ukraine. Bài báo này nhấn mạnh đến những thách thức mà các phi công Ukraine phải đối mặt trước các tiêm kích MiG-31BM và tên lửa không đối không tầm xa R-37M.
Có 3 trung đoàn tiêm kích MiG-31BM trong lực lượng Không quân Nga với tổng cộng 90 máy bay chiến đấu. Forbes trước đó đưa tin, ít nhất một trong các trung đoàn này đã được triển khai tới căn cứ không quân Belbek ở Crimea để thực hiện các cuộc tuần tra và đánh chặn máy bay chiến đấu của Ukraine.
Trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga cũng đã triển khai một biến thể tiêm kích MiG-31 được trang bị tên lửa siêu thanh Kh-47 Kinzhal nhằm tấn công các mục tiêu. MiG-31BM ban đầu được lên kế hoạch triển khai tên lửa siêu thanh Kinzhal nhưng sau đó MiG-31K đã được lựa chọn để mang tên lửa này./.