Điều ít biết về “sát thủ” diệt UAV Mỹ vừa cung cấp cho Ukraine
VOV.VN - Quân đội Ukraine có thể sớm biến xe tải thông thường và các phương tiện khác thành bệ phóng tên lửa di động để bắn hạ máy bay không người lái nhờ một hệ thống trong gói vũ khí mới nhất mà Mỹ dành cho Kiev.
Hệ thống VAMPIRE của nhà sản xuất vũ khí Mỹ L3Harris nằm trong gói viện trợ 3 tỷ USD dành cho Ukraine mà chính quyền Tổng thống Biden công bố ngày 24/8. Đây được xem là gói hỗ trợ lớn nhất mà Mỹ cung cấp cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát.
VAMPIRE là tên viết tắt của Tổ hợp tên lửa ISR module bất khả tri trên xe cơ giới. Đây là thiết bị di động, có thể được lắp đặt trên hầu hết các phương tiện có khoang chở hàng, để phóng hệ thống vũ khí tiêu diệt chính xác tiên tiến (APKWS) hoặc các loại đạn dẫn đường bằng laser khác.
Hệ thống này có một bệ phóng tên lửa 4 nòng nhỏ và một quả cầu cảm biến có thể được lắp đặt trên xe cơ giới trong 2 giờ đồng hồ. Quá trình vận hành chỉ cần 1 người. VAMPIRE được cho là rất hiệu quả trong việc tấn công các mục tiêu trên mặt đất hoặc trên không. Theo Defense News, tại Ukraine, hệ thống này có khả năng hoạt động như một phương tiện hữu ích chống lại máy bay không người lái.
Phát biểu với báo chí, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề chính sách Colin Kahl cho biết: “Bản thân Vampire là một loại vũ khí chống các phương tiện không người lái. Đây là hệ thống động học sử dụng các tên lửa nhỏ để bắn rơi UAV trên bầu trời”.
Việc sử dụng VAMPIRE sẽ giúp Ukraine tiết kiệm thời gian khi tìm kiếm và khóa mục tiêu, bổ sung thêm một lựa chọn mới về vũ khí cơ động cao, có thể triển khai nhanh chóng trên tiền tuyến.
Ông Paul Swiergosz, Người Phát ngôn của công ty L3Harris cho biết: “Ngay từ đầu cuộc xung đột, hệ thống truyền dẫn thông tin vệ tinh toàn cầu SATCOM của chúng tôi đã cho phép các binh sỹ Ukraine tiếp cận các thông tin liên lạc quan trọng. Khả năng nhìn ban đêm và điện quang của chúng tôi cho phép quân đội Ukraine theo dõi các lực lượng đối phương cũng như lập kế hoạch tốt hơn cho các chiến lược và chiến thuật”.
“Hệ thống VAMPIRE của chúng tôi sẽ cung cấp cho các lực vũ trang Ukraine khả năng mạnh mẽ hơn khi họ tiếp tục bảo vệ đất nước. Chúng tôi sẽ kiên định ủng trợ sứ mệnh này của họ”.
VAMPIRE là hệ thống có giá thành phải chăng, dễ sử dụng và lắp ráp hơn so với các thiết bị chống máy bay người khác, được cho là sẽ đáp ứng nhu cầu tiếp tế vũ khí lâu dài của Ukraine.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chứng kiến tần suất sử dụng máy bay không người lái cao chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. Cả Nga và Ukraine đều đang phụ thuộc rất lớn vào các thiết bị bay không người lái trong việc xác định chính xác của đối phương vị trí và dẫn đường cho các cuộc tấn công pháo binh. Không chỉ muốn sở hữu những mẫu máy bay không người lái tối tân nhất, hai biên đang nỗ lực chuyển đổi những máy bay không người lái dân dụng thành phương tiện chiến đấu tốt hơn.
Ukraine đã kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Mỹ và Anh khi cả 2 quốc gia đều cam kết cung cấp cho nước này những máy bay không người lái mới và công nghệ chống máy bay không người lái cho Kiev trong cuộc xung đột ngày 24/8 – Ngày Độc lập của Ukraine.
Ông Colin Kahl cho biết: ‘Chúng tôi đang cân nhắc kỹ lưỡng những hệ thống mà chúng tôi cho là phù hợp nhất với Ukraine. Điều quan trọng hơn là liệu họ có thể duy trì các hệ thống đó, cũng như có đủ nguồn lực hay không?”.
Còn Nga đã tìm đến Iran để duy trì nguồn cung cấp máy bay không người lái. Iran được cho quốc gia có nhiều kinh nghiệm chế tạo và vận máy bay không người lái tàng hình hiệu suất cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nếu Tehran chuyển giao những máy bay này cùng các khóa đào tạo đi kèm cho Nga, thì Moscow nhiều khả năng sẽ gia tăng lợi thế trên chiến trường.
Máy bay không người lái từng chứng minh hiệu quả trên chiến trường kể từ cuộc xung đột Israel-Syria vào năm 1982, sau đó chúng được sử dụng khá nhiều trong các cuộc chiến. UAV đã khẳng định được vai trò nhờ thực hiện thành công nhiều cuộc tấn công vào mục tiêu, hay đảm nhận nhiệm vụ giám sát, trinh sát. Tuy vậy, việc sử dụng rộng rãi và sáng tạo UAV trong cuộc chiến Nga-Ukraine cũng như cuộc chiến Nagorno-Karabakh năm 2020 đã đánh dấu sự thay đổi lớn về nhu cầu đối với phương tiện này.
Khi công nghệ đạt được những bước tiến mới, UAV sẽ trở nên mạnh mẽ, hiệu quả, nhỏ gọn hơn trong khi có giá thành rẻ hơn, có thể được các nhà khai thác sử dụng để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Chi phí cho mỗi máy bay không người lái quân sự đã giảm đáng kể trong 5 năm qua. Chẳng hạn, máy bay không người lái Predator được đưa vào hoạt động lần đầu vào năm 1995, có giá khoảng 40 triệu USD một chiếc. Máy bay không người lái Hermes 900 của Israel có giá khoảng 18 triệu USD chiếc, tùy thuộc vào cấu hình.
Ngày nay, UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, được giới thiệu lần đầu vào năm 2014, có giá thấp hơn 1/3 so với giá ban đầu, vào khoảng 5 triệu USD một chiếc. Mặc dù không chúng không hoàn toàn giống nhau và có các thông số kỹ thuật rất khác nhau, nhưng công nghệ cơ bản và vai trò của chúng thì tương tự nhau.
Do UAV được sử dụng khá rộng rãi trên chiến trường, nên việc tìm kiếm các biện pháp đối phó để chống lại mối đe dọa mà chúng gây ra đang trở thành vấn đề cấp thiết. Nhiều quan chức Mỹ hy vọng những hệ thống như VAMPIRE sẽ có cơ hội chứng minh sức mạnh và hiệu quả khi đối đầu với UAV của Nga./.