Mỹ-Anh chia sẻ "công nghệ nhạy cảm", Australia sẽ có loại tàu ngầm hạt nhân nào?
VOV.VN - Theo thỏa thuận, Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ và đào tạo kỹ thuật để Australia chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trước việc Australia đạt thỏa thuận với Mỹ và Anh để khởi động chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân, thông qua liên minh 3 bên mới được thành lập AUKUS, giới phân tích cho rằng tàu ngầm của Australia sẽ trông giống các các phiên bản tàu ngầm mới nhất trong kho vũ khí của hai quốc gia trên.
Các hạm đội của Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Anh có 2 loại tàu ngầm hạt nhân, được phân loại thành tàu ngầm tấn công và tàu ngầm tên lửa đạn đạo (hay còn gọi là boomer). Cả hai đều hoạt động bằng lò phản ứng hạt nhân, biến nước lỏng thành hơi nước áp suất cao làm quay các tuabin để đẩy tàu ngầm. Nhưng 2 loại tàu ngầm này được sử dụng cho những mục đích khác nhau.
Theo thỏa thuận, Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ và huấn luyện kỹ thuật để Australia chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Australia hiện đang đăng ký lựa chọn tàu ngầm hạt nhân tấn công để đối phó với những mối đe dọa tương lai, thay vì boomer vốn được trang bị thêm cả vũ khí hạt nhân, với các đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa đạn đạo. Trước Australia, Anh là quốc gia duy nhất được Mỹ chia sẻ công nghệ chế tạo tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân theo một thỏa thuận có từ năm 1958.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công
Tàu ngầm hạt nhân tấn công, được coi là xương sống của các hạm đội tàu ngầm của Mỹ và Anh. Theo Hải quân Mỹ, loại tàu ngầm này được thiết kế để tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm hay tàu mặt nước của đối phương, tấn công các mục tiêu trên bờ bằng tên lửa hành trình Tomahawk, thực hiện các nhiệm vụ Tình báo, Giám sát và Trinh sát (ISR), hỗ trợ hoạt động của các lực lượng chiến đấu, phóng ngư lôi.
Mỹ có 3 lớp tàu ngầm tấn công trong hạm đội gồm 53 chiếc. Chiếc mới nhất trong số này thuộc lớp Virginia. Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia nặng 8.000 tấn, có chiều dài 114m, tốc độ 46km/giờ, được trang bị hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk và có thể lặn sâu vô thời hạn. Tàu ngầm có động cơ hạt nhân có thể vận hành liên tục trên 35 năm, trên nguyên tắc là ở dưới mặt nước nhiều tháng không cần nổi lên để lấy oxy hoặc tiếp nhiên liệu như tàu ngầm sử dụng động cơ diesel. Thời gian ở dưới nước của con tàu này chỉ bị giới hạn ở nhu cầu tiếp tế cho thủy thủ đoàn 132 người.
Tàu ngầm này không có kính tiềm vọng, thay vì đó nó sử dụng một hệ thống điện tử, trong đó có video hồng ngoại với độ phân giải cao để giám sát không gian chiến đấu. Thông tin được hiển thị trên các màn hình lớn ở trung tâm chỉ huy, với một cần điều khiển kiểm soát toàn bộ hoạt động.
Mặc dù Australia cam kết không dùng đầu đạn hạt nhân nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng, ống phóng hỏa tiễn trên tàu lớp Virginia có thể được thay đổi để mang tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân trong tương lai nếu cần.
4 tàu ngầm tấn công lớp Astute của Anh thậm chí còn di chuyển với tốc độ nhanh hơn các tàu ngầm của Mỹ, có khả năng lặn sâu hơn và cũng mang được những tên lửa hành trình Tomahawk loại mới.
“Tomahawk IV là phiên bản mới nhất của dòng Tomahawk. Nó có tầm bắn xa hơn so với các phiên bản đời đầu (trên 1.600 km), có thể nhắm bắn khi mục tiêu đang bay và cũng có thể ghi lại hình ảnh chiến trường gửi về cho tàu ngầm mẹ” trang web của Hải quân Hoàng gia Anh cho biết.
Đây là loại hỏa lực và sức mạnh mà Australia muốn sở hữu để bảo vệ vùng biển phía bắc của nước này khỏi bất cứ mối đe dọa nào, đồng thời mở rộng sự hiện diện tại Biển Đông – nơi Canberra cùng với Mỹ đang tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và thực hiện quyền tự do hàng hải.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Anh và Mỹ có thể mang tên lửa Trident được trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân. Về cơ bản, nhiệm vụ của chúng là hoạt động trên biển trong nhiều tháng ròng, phần lớn chìm dưới nước và chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân đáp trả trong trường hợp đối phương thực hiện cuộc tấn công vào Anh hoặc Mỹ.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo di chuyển rất êm dưới mặt nước biển và cực kỳ khó bị phát hiện. Chúng đóng vai trò là nòng cốt của chiến lược răn đe, khiến đối phương phải trả một cái giá khủng khiếp ngay trong lần tấn công hạt nhân đầu tiên.
Mỗi tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ có thể mang theo 20 tên lửa Trident (của Anh là 16 tên lửa) với 8 đầu đạn (của Anh là 3 đầu đạn). Chúng có tầm bắn 7.400 km. Các đầu đạt hạn nhân có đương lượng nổ từ 100 đến 475 kiloton. Trong khi đó, quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến 2 có đương lượng nổ 15 kiloton.
Ưu điểm của các tàu ngầm hạt nhân là sức bền và hoạt động được ở những vùng nước sâu. Nhưng công việc bảo trì và vận hành chúng cũng phức tạp. Không giống Mỹ và Anh, Australia không có ngành công nghiệp điện hạt nhân – nơi có thể cung cấp một lực lượng lao động có tay nghề cao như các kỹ sư và nhà vật lý hạt nhân. Vì thế phần lớn công việc bảo trì sẽ được thực hiện ở nước ngoài. Và vẫn chưa rõ chính phủ Australia sẽ xử lý lượng uranium đã qua sử dụng như thế nào.
Khi nào Australia sẽ đưa tàu ngầm ra biển?
Phải mất một thời gian dài, có thể là nhiều thập kỷ để đóng và triển khai 1 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thỏa thuận giữa Mỹ, Anh và Australia được công bố ngày 15/9 chỉ cung cấp một nghiên cứu kéo dài 18 tháng để xác định cách thức đóng tàu tốt nhất và phù hợp nhất cho Australia. Thủ tướng Scott Morrison hy vọng, tàu ngầm hạt nhân mới có thể gia nhập hạm đội của Australia vào năm 2040.
Thomas Shugart, cựu chỉ huy tàu ngầm Hải quân Mỹ, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới cho rằng, xét đến tình hình an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Australia có lẽ sẽ mong muốn tàu ngầm của họ đi vào hoạt động sớm hơn.
“Với thế cân bằng quân sự đang thay đổi tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tôi cho rằng tàu ngầm của Australia sẽ đi vào hoạt động sớm hơn mốc thời gian 2040. Tôi đang mường tượng mốc thời gian triển khai chưa đến 1 thập kỷ, thậm chí với tốc độ khẩn trương hơn, với việc đóng tàu dựa những nhà cung cấp và thiết kế hiện có”, ông Shugart nói./.