Nga nâng cấp oanh tạc cơ hạt nhân với tên lửa đe dọa tàu sân bay Mỹ
VOV.VN - Phiên bản nâng cấp của máy bay ném bom hạt nhân Tu-22M được trang bị các loại tên lửa nguy hiểm có thể trở thành ác mộng đối với hải quân Mỹ.
Nga đã nâng cấp máy bay ném bom hạt nhân Tupolev Tu-22M lên thành phiên bản Tu-22M3M. Phiên bản nâng cấp này sẽ ra mắt vào ngày 16/8. Cùng với đó là một loại tên lửa có thể trở thành ác mộng đối với tàu sân bay hải quân Nhật Bản.
Máy bay Tu-22M. Ảnh: Airliners.
Chiếc Tu-22M cất cánh lần đầu vào năm 1969 có thể mang được khối lượng bom lên tới 2,4 tấn và là đối thủ của chiếc B-1B Lancer – oanh tạc cơ siêu thanh duy nhất của Mỹ.
Phiên bản Tu-22M3M tập trung vào việc hiện đại hóa hệ thống điện tử hàng không, liên lạc và điều khiển. Máy bay này cũng được tích hợp với một số loại tên lửa nguy hiểm. Điều này, cộng với vai trò máy bay cường kích trên biển có khả năng mang bom hạt nhân, sẽ tạo ra một thách thức rất lớn cho các tàu sân bay Mỹ.
Cụ thể, Tu-22M được trang bị một số tên lửa chống hạm, thậm chí cả tên lửa đạn đạo phóng từ trên không.
Tên lửa KH-32 của Nga được chế tạo theo hướng đối phó với các nhóm tấn công của tàu sân bay Mỹ.
KH-32 có tầm bay tới 997km, có thể vọt qua tầng bình lưu trước khi lao xuống mục tiêu với tốc độ gấp 4 lần tốc độ âm thanh.
Tốc độ cực lớn và đường bay biến đổi của tên lửa KH-32 khiến hệ thống phòng thủ tên lửa của hải quân Mỹ rất khó đánh chặn.
Do tầm bay lớn của KH-32, phi công Tu-22M3M có thể phóng tên lửa này ở khoảng cách an toàn ngoài tầm với tối đa của tiêm kích F/A-18 Super Hornet của Mỹ.
Nga không có lợi thế về tàu sân bay như Mỹ nên Nga chủ trương phát triển các tên lửa tầm xa có khả năng khắc chế các tàu sân bay của Mỹ./.