Người Mỹ Do Thái và Pháp giúp Israel chế tạo vũ khí hạt nhân như thế nào
VOV.VN - Mặc dù Israel không chính thức thừa nhận, nhưng ai cũng hiểu rằng nước này sở hữu kho vũ khí hạt nhân. Tương tự, người ta cũng hiểu rằng Mỹ phản đối chương trình vũ khí hạt nhân của Israel, nhưng một phần của lịch sử ít được biết đến là phần lớn tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân của Israel đến từ những thế lực rất đáng nể.
Mối quan tâm của Israel đối với vũ khí hạt nhân về cơ bản xuất hiện ngay sau khi thành lập nhà nước Do Thái vào năm 1948. Nhà lãnh đạo sáng lập đất nước, David Ben-Gurion, bị ám ảnh bởi trại tập trung Holocaust và sự thù địch không ngừng từ các nước láng giềng Arab hùng mạnh hơn nhiều mà Israel phải đối mặt. Ben-Gurion coi vũ khí hạt nhân là phương án cuối cùng để đảm bảo sự tồn vong của nhà nước Do Thái trong trường hợp kẻ thù của họ sử dụng dân số và nền kinh tế lớn hơn nhiều của mình để xây dựng quân đội thông thường vượt trội.
Vấn đề mà Ben-Gurion và các cố vấn thân cận nhất của ông phải đối diện là nhà nước non trẻ, nghèo và tương đối phức tạp của họ không có đủ nguồn lực công nghệ và vật chất cần thiết để hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân bản địa. Hy vọng có được vũ khí hạt nhân tốt nhất của Israel đến từ việc tìm được một nhà bảo trợ nước ngoài. May mắn cho Israel, bối cảnh lúc đó đã tạo điều kiện cho Israel có được sự hỗ trợ như mong muốn đó.
Cụ thể, vào giữa những năm 1950, quyền kiểm soát của Pháp đối với Algeria - lãnh thổ mà Pháp coi là một phần của nước này chứ không chỉ là thuộc địa - ngày càng bị tranh chấp bởi lực lượng nổi dậy trong nước, đang nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ nhà lãnh đạo Ai Cập Gamal Abdel Nasser. Paris đã đáp lại bằng cách kêu gọi sự giúp đỡ của Israel trong việc cung cấp thông tin tình báo về tình hình Algeria để đổi lấy vũ khí thông thường của Pháp.
Cơ hội để biến điều này thành hợp tác hạt nhân xuất hiện vào năm 1956 khi Paris yêu cầu Israel cung cấp cho Pháp và Anh một cái cớ để can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez. Ben-Gurion đã rất dè dặt với vai trò liên đới của Israel trong kế hoạch này. Nhưng vấn đề này đã được khắc phục khi Pháp đồng ý cung cấp cho Israel một lò phản ứng nghiên cứu nhỏ tương tự như lò phản ứng EL-3 mà Pháp đã xây dựng tại Saclay. Tuy nhiên, cuộc xâm lược Suez nhanh chóng trở nên tồi tệ khi cả Mỹ và Liên Xô đe dọa Israel, Pháp và Anh theo những cách khác nhau để buộc họ rút quân.
Pháp đã không thể bảo vệ Israel khỏi các mối đe dọa từ các siêu cường. Tuy nhiên, trước khi đồng ý rút lui, Israel đã thuyết phục Paris tiếp tục mối quan hệ hợp tác hạt nhân. Pháp đã đồng ý cung cấp cho Israel một lò phản ứng sản xuất Plutonium lớn hơn nhiều tại Dimona, cung cấp Uranium tự nhiên để làm nhiên liệu cho lò phản ứng và một nhà máy tái chế - về cơ bản mọi thứ mà Israel cần sử dụng nhà máy để sản xuất plutonium cho bom, ngoại trừ nước nặng.
Đây là một ngoại lệ lớn - không có quốc gia nào trước đây hoặc kể từ đó cung cấp cho một quốc gia khác một lượng lớn công nghệ cần thiết để chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa của trận chiến. Ben-Gurion vẫn phải lo các khoản tiền cần thiết để trả cho thỏa thuận hạt nhân với Pháp. Người ta không biết chi phí xây dựng các cơ sở hạt nhân ở Dimona là bao nhiêu, nhưng Israel có thể đã trả cho Pháp ít nhất từ 80-100 triệu USD vào năm 1960 - một số tiền khổng lồ đối với Israel vào thời điểm đó.
Ben-Gurion đã rất lo lắng rằng nếu chuyển hướng quỹ quốc phòng cho dự án hạt nhân, ông sẽ bị phản đối từ giới quân sự, vốn đang vật lộn để triển khai một đội quân thông thường có thể đánh bại kẻ các thù Arab của Israel. Thủ tướng Israel sáng suốt quyết định tạo một quỹ tư nhân để tài trợ cho thỏa thuận với Pháp. Theo tài liệu của Michael Karpin trong cuốn sách xuất sắc của ông về chương trình hạt nhân của Israel “The Bomb in the Basement” (tạm dịch: “Quả bom ở dưới tầng ngầm”, Ben-Gurion đã chỉ đạo nhân viên của mình chỉ đơn giản gọi là "Abe", ám chỉ Abe Feinberg.
Feinberg là một doanh nhân, nhà từ thiện nổi tiếng ở New York và là nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Do Thái có quan hệ mật thiết với Đảng Dân chủ. Trước khi Mỹ tham gia Thế chiến II, Feinberg đã quyên góp tiền để giúp những người Do Thái châu Âu di cư đến Palestine. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông này - giống như Ben-Gurion - đã đến châu Âu để xem các trại tập trung Holocaust. Ông cũng giúp đưa lậu những người sống sót sau thảm họa Holocaust về Palestine vào thời điểm mà người Anh đã tạo ra các cuộc phong tỏa để ngăn chặn người Do Thái nhập cư trái phép.
Trong thời gian này, ông đã gắn bó lâu dài với nhiều người đàn ông sau này trở thành lãnh đạo cấp cao của nhà nước Israel. Khi trở về Mỹ, ông đã giúp vận động Tổng thống Harry Truman công nhận nhà nước Do Thái sau khi nước này tuyên bố độc lập. Đổi lại, Feinberg đã giúp quyên góp tiền cho chiến dịch tái tranh cử của Truman. Do đó, vào tháng 10/1958, Ben-Gurion cậy nhờ Feinberg giúp gây quỹ cần thiết cho phi vụ Dimona. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Ben-Gurion tìm đến các nhà lãnh đạo người Do Thái ở Mỹ để quyên góp tiền cho các mục tiêu của Israel.
Biết trước sẽ sớm có một cuộc chiến tranh giành độc lập, Ben-Gurion đã đến New York vào năm 1945 để gây quỹ mua vũ khí cho người Do Thái ở Palestine và điệp vụ đã thành công. Theo Karpin: “Trong các giấy tờ bí mật của nhà nước, 17 triệu phú Mỹ được đặt mật danh là “Viện Sonneborn”, theo tên chủ nhà của họ. Trong những năm sau đó, các thành viên của Viện này đã đóng góp hàng triệu USD để mua bom, đạn, máy móc, thiết bị bệnh viện và thuốc men, và tàu chở người tị nạn” đến Palestine.
Feinberg là một trong 17 triệu phú của Viện Sonneborn. Năm 1958, Feinberg đã vận động nhiều thành viên của Viện Sonneborn, cũng như nhiều nhà lãnh đạo Do Thái khác ở Bắc Mỹ và châu Âu nhằm quyên tiền cho dự án hạt nhân Dimona theo lời kêu gọi của Ben-Gurion vào năm 1958. Ông đã thành công lớn - một lần nữa, theo Karpin, “chiến dịch gây quỹ bí mật bắt đầu vào cuối năm 1958, và tiếp tục trong hai năm; khoảng 25 triệu phú đã đóng góp được tổng cộng khoảng 40 triệu USD”.
Sứ mệnh của Feinberg quan trọng như thế nào đối với sự thành công của dự án hạt nhân Israel? Theo Karpin, nếu Ben-Gurion không chắc chắn rằng Feinberg có thể huy động từ những người Do Thái trên thế giới hàng triệu USD cần thiết cho dự án, thì có thể nghi ngờ rằng ông ta đã thực hiện thỏa thuận với Pháp. Israel của những năm 1950 và 60 có thể không bao giờ trả tiền cho công nghệ tiên tiến, nhưng đã xây dựng lò phản ứng Dimona và hệ thống răn đe hạt nhân bằng chính nguồn lực của mình.
Tuy nhiên, đây không phải là dấu chấm hết cho việc Feinberg tham gia vào quan hệ Mỹ-Israel. Trên thực tế, sau khi Đảng Dân chủ chiếm lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 1960, Feinberg đã trở thành cố vấn không chính thức cho cả John Fitzgerald Kennedy và Lyndon Baines Johnson. Và vào năm 1961, chính Feinberg đã nỗ lực tư vấn, thuyết phục Ben-Gurion cho phép người Mỹ kiểm tra lò phản ứng Dimona./.