RQ-4 Global Hawk Mỹ điều đến Biển Đông có đáng gờm?
VOV.VN - RQ-4 được thiết kế để đảm trách việc thu thập thông tin tình báo nhằm hỗ trợ lực lương mặt đất trong các chiến dịch quân sự toàn cầu.
Nhiệm vụ đặc biệt
Không quân Mỹ vừa thông báo đã triển khai luân phiên một phi đội máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk (“Ác điểu”) từ căn cứ Andersen, đảo Guam tới căn cứ không quân Yokota tại Nhật Bản để củng cố sự hiện diện quân sự trong khu vực. Đồng thời, Mỹ vẫn duy trì hoạt động của máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer trên Biển Đông và các khu vực khác ở Thái Bình Dương. Theo giới quan sát, việc điều chuyển lực lượng này giúp hỗ trợ Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, một phần trong chiến lược rộng lớn duy trì giám sát và răn đe trong khu vực trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Đặc biệt, máy bay không người lái RQ-4 được huy động khẩn cấp để hỗ trợ oanh tạc cơ B-1B Lancer làm nhiệm vụ đặc biệt khi Mỹ nhận được tin Trung Quốc tập trận trên Biển Đông với 2 tàu sân bay tham gia. Với sự hiện diện của RQ-4 và B-1B, Mỹ có đủ lực lượng, phương tiện cần thiết để cùng lúc vừa giám sát, răn đe Trung Quốc trước các mưu đồ phi pháp của nước này ở vùng Biển Đông, vừa theo dõi tình hình, động thái từ phía Trung Quốc rất có thể sẽ triển khai quân đến đảo Đài Loan.
RQ-4 Global Hawk
Northrop Grumman RQ-4 Global Hawk là một loại máy bay trinh sát không người lái do Công ty hàng không Ryan (nay là công ty con của Northrop Grumman) phát triển dưới mật danh Tier II+. RQ-4 được thiết kế để thu thập các thông tin tình báo hỗ trợ các hoạt động quân sự của Mỹ trên khắp thế giới. Trong tên RQ-4, "R" - theo ý tưởng của Bộ Quốc phòng - để trinh sát (Reconnaissance); "Q" có nghĩa thuộc hệ thống máy bay không người lái; và "4" số sê-ri các hệ thống máy bay chuyên dụng điều khiển từ xa.
Bảy chiếc RQ-4 đầu tiên được chế tạo theo chương trình Trình diễn Trường phái Công nghệ Tiên tiến (Advanced Concept Technology Demonstration - ACTD), được tài trợ bởi Cục phụ trách các Dự án Quốc phòng Tiên tiến (Defense Advanced Research Projects Agency - DARPA) để khảo nghiệm thiết kế và trình diễn khả năng; chiếc đầu tiên cất cánh vào ngày 28/2/1998.
RQ-4 Global Hawk của Không quân Mỹ; Nguồn: wikipedia |
Hệ thống Global Hawk bao gồm một máy bay RQ-4, được tích hợp nhiều thiết bị như các gói cảm biến và hệ thống liên lạc; ở mặt đất có một Phần tử Phóng và Thu hồi (Launch and Recovery Element - LRE), một Phần tử Điều khiển Tác chiến (Mission Control Element - MCE) và các thiết bị thông tin liên lạc mặt đất. RQ-4 hoạt động bằng một động cơ phản lực Allison Rolls-Royce AE3007H, khung máy bay được làm bằng vật liệu nhôm, cấu trúc vỏ nửa liền và đuôi chữ V; hai cánh được làm bằng vật liệu composite.
Bộ Cảm biến Tích hợp (Integrated Sensor Suite - ISS) được cung cấp bởi tập đoàn quốc phòng Raytheon và bao gồm một radar khẩu độ tổng hợp (Synthetic-Aperture Radar - SAR), cảm biến điện-quang tầm xa (Long-range Electro-Optical - EO Sensor) và tầm nhiệt (Infrared - IR Sensor). Cảm biến EO hay IR có thể hoạt động hợp nhất với hệ thống SAR. Cảm biến sẽ cung cấp các ảnh tìm kiếm trên diện rộng và chế độ dò tìm có độ phân giải cao. Hệ thống SAR có một chế độ theo dõi mục tiêu di chuyển trên bộ (Ground Moving Target Indicator - GMTI), có khả năng gửi tin về vị trí và tốc độ di chuyển của mục tiêu.
Mọi dữ liệu từ hệ thống SAR và hai cảm biến EO/IR đều sẽ được truyền trực tiếp từ máy bay về phần tử MCE. Một hệ thống dẫn đường bằng quán tính được bổ sung sau những lần nâng cấp Hệ thống Định vị Toàn cầu (Global Positioning System - GPS). Global Hawk dự tính sẽ hoạt động tự động sử dụng một đường liên kết dữ liệu vệ tinh (hoặc sử dụng băng tần Ku hay tần số cực cao) để gửi dữ liệu từ máy bay đến bộ phận MCE.
Theo thông tin của Không quân Mỹ, RQ-4B được điều từ xa bởi 3 người (nhân viên phụ trách LRE, nhân viên phụ trách MCE và người điều hành cảm biến); máy bay có chiều dài 14,5m, sải cánh 39,9m, chiều cao 4,7m, trọng lượng rỗng 6.781kg, trọng lượng toàn tải 14.628kg, vận tốc 575km/h, tầm bay 14.001km, thời gian bay 28-32 giờ, trần bay 18km. Global Hawk được khai thác sử dụng bởi Phi đội Trinh sát số 12 tại Căn cứ Không quân Beale (California), và Phi đội Trinh sát số 348 tại Căn cứ Không quân Grand Fork (Bắc Dakota).
Tính năng chiến-kỹ thuật
Hiện, RQ-4 Global Hawk đang có trong biên chế của Không quân và Hải quân Mỹ với vai trò là một hệ thống tầm cao có chức năng thu thập thông tin tình báo cũng như hỗ trợ lục quân trong các chiến dịch quân sự toàn cầu, cho phép lực lượng mặt đất sử dụng vũ khí một cách chính xác hơn và có thể bảo vệ cho quân đồng minh tốt hơn.
Sở hữu những khả năng vượt trội so với huyền thoại Lockheed U-2, RQ-4 Global Hawk được đánh giá là sự kỳ diệu của công nghệ Không quân Mỹ. RQ-4 Global Hawk có thể lửng lơ trên bầu trời khu vực cần giám sát hàng ngày liền trước khi phải trở về căn cứ để tiếp nhiên liệu. Mỗi máy bay có thể hoạt động 32 giờ liên tục ở độ cao 18km khiến nó khó bị đối phương tiêu diệt.
Loại UAV do thám này không chỉ có khả năng chụp, thu thập, truyền về căn cứ các hình ảnh địa hình, vật thể, trận địa với độ phân giải cực cao, nhìn xuyên qua những đám mây dày đặc và hoạt động hiệu quả trong tình trạng bão cát, mà còn có thể nghe trộm đường truyền tín hiệu và ghi lại các hoạt động dưới mặt đất theo thời gian thực. Một chiếc RQ-4 có khả năng giám sát một khu vực tới 103.600 km2 trong một ngày.
RQ-4 Global Hawk của Hải quân Mỹ; Nguồn: i2.wp |
Năm 2008, Hải quân Mỹ đã chọn thiết kế RQ-4N cho Chương trình Giám sát Hàng hải Diện rộng (Broad Area Maritime Surveillance - BAMS) và tháng 9/ 2010, RQ-4N được chính thức đổi tên thành MQ-4C Triton. MQ-4C được thiết kế để quan sát theo dõi và trinh sát trên không một khu vực nước rộng lớn trên biển, đại dương hoặc kiểm soát, theo dõi vùng nước ven bờ.
Phiên bản MQ-4C của Hải quân khác với RQ-4 của Không quân chủ yếu là ở phần cánh - được thiết kế để có thể chịu được áp lực khi hạ độ cao đột ngột. Cấu trúc cánh bên trong của MQ-4C được gia cố mạnh hơn và có các tính năng mới như khả năng chống đóng băng cùng với lớp chống va đập và sét đánh. Trong khi RQ-4 luôn ở trên cao để hoạt động do thám, MQ-4C bay đến trần 15.000m để có tầm nhìn lớn và có thể hạ xuống 3.000m để nhận diện mục tiêu.
Để phối hợp với máy bay tuần tra trên biển P-8A và P-3C của Hải quân Mỹ, MQ-4C được trang bị các khí tài trinh sát hiện đại nhất hiện nay, gồm radar mạng pha chủ động AN/ZPY-3 có thể phát hiện sớm các vụ phóng tên lửa; các sensor quang-điện tử/hồng ngoại; cảm biến chủ động đa chức năng có trường quan sát 360 độ; hệ thống nhận dạng tự động (Automatic Identification System - AIS) ...
Radar AN/ZPY-3 có nhiệm vụ theo dõi quỹ đạo bay của tên lửa, liên tục chiếu xạ mục tiêu và tham số về mục tiêu liên tục được cung cấp cho trung tâm điều khiển. Máy tính sẽ tính quỹ đạo bay, tốc độ của tên lửa, sau đó dẫn đường cho tên lửa đánh chặn mục tiêu. MQ-4C cũng có khả năng phát hiện tên lửa đất đối không và vô hiệu hóa các hoạt động chế áp điện tử của đối phương.
MQ-4C là một trong những máy bay không người lái lớn nhất thế giới, cần 4 nhân viên điều khiển tại mỗi trạm mặt đất. Nó có chiều dài 14,5m, chiều cao 4,7m, sải cánh 39,9m, trọng lượng rỗng, 6.779kg, tổng trọng lượng 14.628kg, dùng động cơ phản lực cánh quạt Rolls-Royce AE 3007, tốc độ tối đa 575 km/h, tầm bay 15.186km, trần bay 18.000m, thời gian bay 30 giờ, thời gian bay khai thác sử dụng 51.000 giờ./.