Vì sao tên lửa siêu thanh trở thành cơn ác mộng đối với tàu sân bay Mỹ?
VOV.VN - Tên lửa siêu thanh, với sức mạnh khủng khiếp,có thể tiêu diệt được cả một nhóm tác chiến tàu sân bay.
Các tàu sân bay thường phải đối mặt với nhiều mối đe dọa nghiêm trọng. Trong quá khứ, tàu ngầm từng được cho là một trong những mối đe dọa lớn nhất, có thể nguy hiểm cho tàu sân bay. Hiện nay, hệ thống tác chiến chống ngầm (ASW) hiện đại đã mang lại lợi thế cho các nhóm tác chiến tàu sân bay, giúp tăng cường khả năng sàng lọc và bảo vệ.
Tàu ngầm không người lái có thể gây ra một vấn đề mới, tuy nhiên tên lửa siêu thanh mới tạo ra mối nguy hiểm lớn nhất.
“Sát thủ” từ trên bầu trời
Tên lửa Kinzhal của Nga, phóng từ trên không, được cho là hệ thống tên lửa siêu thanh đầu tiên trên thế giới và nếu như những tuyên bố từ phía Nga là chính xác thì tên lửa này sẽ có tầm bắn 3.000 km khi được phóng từ máy bay như máy bay ném bom siêu thanh Tupolev Tu-22M3 Backfire. Phía Nga cho rằng, tên lửa siêu thanh Kinzhal – được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K720 Iskander, thực sự “miễn nhiễm” trước các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại vì khả năng cơ động của nó khi bay.
TASS dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết, Kinzhal cũng có khả năng bắn trúng nhiều mục tiêu: “Đây là loại vũ khí chính xác được trang bị khả năng tác chiến đa chức năng, giúp nó có thể tấn công cả mục tiêu cố định và di động. Cụ thể, tàu sân bay và tàu chiến lớp tuần dương, tàu khu trục là những mục tiêu tiềm năng của loại vũ khí này”.
Thậm chí nếu những tuyên bố trên chỉ là sự phóng đại, thì tên lửa Kinzhal vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu chiến của Mỹ, đặc biệt là tàu sân bay.
Với tốc độ di chuyển nhanh như “vũ bão”, tên lửa Kinzhal có thể gây sát thương bằng tác động “động học” tuyệt đối mà không cần đến chất nổ. Các chuyên gia quân sự lo ngại, tên lửa này có thể sở hữu sức mạnh không thể đánh chặn và nó sẽ định hình lại các cuộc chiến tranh.
Nhiều ý kiến cho rằng quân đội Mỹ nên đầu tư vào công nghệ hơn là các tàu chiến khổng lồ, một phần lý do nằm ở việc những tàu chiến này có thể dễ dàng bị tiêu diệt bởi các loại tên lửa như Kinzhal.
Hiện nay, quân đội Nhật Bản cũng đang tìm cách phát triển và triển khai vũ khí siêu thanh với đầu đạn đặc biệt có thể xuyên thủng boong tàu sân bay, phòng ngừa trường hợp tàu sân bay Trung Quốc có thể gây rủi ro nghiêm trọng đối với vùng biển xung quanh các đảo của Nhật Bản.
“Cơn ác mộng” đối với tàu sân bay Mỹ
Trang mạng Stalker Zone gần đây đã phân tích kịch bản xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào tàu sân bay lớn của Mỹ, trong trường hợp này là tàu sân bay USS George H. W. Bush của lực lượng hải quân, có lượng giãn nước 97.000 tấn với chiều dài 333m. Tàu sân bay này có thủy thủ đoàn gồm 3.200 người cộng với 2.500 quân nhân trong phi đội không quân, là một mục tiêu khá lớn đối với bất cứ loại vũ khí nào. Tuy vậy, việc vượt qua hệ thống phòng không của nhóm tác chiến tàu sân bay, trong đó có các khu trục hạm đi kèm không phải nhiệm vụ dễ dàng.
Nhưng tên lửa siêu thanh, với sức mạnh khủng khiếp, có thể là vũ khí thực sự “làm thay đổi cuộc chơi”.
Theo phân tích, năng lực hiện tại của tàu sân bay là chưa đủ để chống lại cuộc tấn công của tên lửa siêu thanh. Mặc dù phòng chỉ huy là mục tiêu tốt nhất để tên lửa siêu thanh nhắm bắn nhưng boong tàu sân bay mới là nơi cuộc tấn công phát huy hiệu quả nhất. Tên lửa Kh-47M2 "Kinzhal", nặng 500kg, di chuyển với tốc độ Mach 12 sẽ gây ra thiệt hại đáng kể.
“Ngay cả khi tàu sân bay có thể đứng vững trong những giờ phút đầu tiên sau cuộc tấn công, sức chiến đấu của phi đoàn trên con tàu này sẽ giảm xuống con số 0 do những thiệt hại gây ra cho boong tàu”, trang Stalker Zone lưu ý.
“Ngoài ra, một cuộc tấn công như vậy có thể dẫn đến việc phá hủy ít nhất một trong hai lò phản ứng năng lượng hạt nhân Westinghouse A4W của tàu. Tổng công suất của các lò phản ứng này là 1.100 MW. Một tên lửa với đầu đạn nặng nửa tấn di chuyển với tốc độ cao, không những phá hủy được các mạch tuần hoàn chất làm mát, mà còn khiến các lò phản ứng hạt nhân phát nổ trong quá trình hoạt động khi tàu sân bay đang tham gia chiến đấu”.
Chỉ cần một tên lửa siêu thanh “Kinzhal" thực hiện cuộc tấn công này cũng đủ phá hủy hoàn toàn một tàu sân bay, hơn nữa, có thể tạo ra phản ứng dây chuyền, tiêu diệt toàn bộ nhóm tấn công tàu sân bay.
Tuy nhiên, tấn công vị trí trọng yếu của tàu sân bay ở khoảng cách xa như vậy, đối với vũ khí siêu thanh không phải là điều dễ dàng. Các tên lửa đạn đạo hiện tại có thể đạt tốc độ siêu thanh và có đường bay có thể dự đoán được, nhưng điều đáng lo ngại là tên lửa “Kinzhal” hoạt động theo những cách thức nằm ngoài dự đoán.
Dẫu vậy, nó vẫn là mối lo ngại lớn. Đó là lý do quân đội Mỹ đang nỗ lực nghiên cứu để phát triển các hệ thống ngăn chặn một cuộc tấn công bằng vũ khí siêu thanh. Nếu không thực hiện được điều này, Mỹ có thể sẽ phải chấp nhận rủi ro rằng bất cứ quốc gia nào sở hữu vũ khí siêu thanh cũng đủ sức phá hủy cả một hạm đội của họ./.