Xe tăng T-34 vẫn là vũ khí đáng sợ
VOV.VN - Từng là biểu tượng của chiến thắng Liên Xô trong Thế chiến 2, xe tăng T-34 sau đó vẫn tham gia nhiều cuộc xung đột trên toàn cầu trong suốt thế kỷ 20.
Khi xe T-34 của Liên Xô lăn bánh vào Berlin (Đức) năm 1945, dường như các ngày chinh chiến của chiến xa này đã gần qua đi. Nhưng cỗ xe này vẫn tiếp tục cuộc trường chinh ở nhiều nơi trên thế giới, như trên cát sa mạc Ai Cập, trong rừng nhiệt đới Cuba, hay trên đồng cỏ Angola.
Ngày nay người ta vẫn thấy xe tăng này trong kho vũ khí của Bosnia và Herzegovina, Việt Nam, Guinea-Bissau, Yemen, Triều Tiên, Cộng hòa Congo, Cuba, Lào, Mali, và Namibia.
Xe tăng T-34 năm 1944, trong Thế chiến 2. Ảnh: RIA. |
Gốc Mỹ
Xe tăng T-34 từng được dùng để đối đầu với Mỹ và đồng minh ở Triều Tiên và Cuba. Tuy nhiên ít người biết xe này có gốc gác Mỹ.
Xe phát triển từ xe tăng BT hạng nhẹ của Liên Xô vào thập niên 1930, mà xe này lại phái sinh từ xe tăng M1931 Christie của Mỹ.
Xe tăng Christie và các biến thể Tây Ban Nha sau đó được đưa vào Liên Xô dưới danh nghĩa “máy kéo nông trang” và trở thành cơ sở xuất phát cho nhà thiết kế Liên Xô Mikhail Koshkin.
Trong các năm trước Thế chiến 2, Koshkin đã làm việc chuyên sâu với dự án T-34, kết hợp giáp mạnh với hỏa lực hạng nặng trong khi vẫn giữ được tốc độ chạy trên đường và mức độ dễ bảo dưỡng, dễ sản xuất.
Lô xe tăng T-34 đầu tiên theo kế hoạch sẽ để cho lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin xem xét ở Moscow vào ngày 17/3/1940 sau khi đi hơn 2.000km tới thủ đô. Đây là một quyết định mạo hiểm của Koshkin, khi ông cho xe tăng đi vào vùng đất công cộng, bởi lẽ cơ quan mật vụ NKVD có thể quyết rằng điều này làm lộ bí mật nhà nước.
Nhưng xe tăng vẫn tới nơi đúng lịch trình và không gặp sự cố lớn nào. Xe đã đi theo một lộ trình bí mật qua những cánh rừng và cánh đồng phủ đầy tuyết và những địa hình gồ ghề.
Ấn tượng về những gì mình thấy, Stalin đã trìu mến gọi xe tăng này là “én nhỏ” và sự ra đời của nó đã được bảo đảm.
Tuy nhiên thắng lợi này đã vấp phải một sự cố là Koshkin đã qua đời do viêm phổi trong hành trình gian khổ đưa xe lên thủ đô.
“Cha nuôi” của xe tăng này là kỹ sư, nhà thiết kế xe tăng tên là Alexander Morozov. Ông là người cuối cùng đưa xe tăng T-34 vào chiến đấu và điều chỉnh xe này cho phù hợp với các đối thủ Đức mới và ngày càng nguy hiểm.
Vào tháng 12/1943, xe tăng phiên bản T-34-85 gầm rú ra trận với một tháp pháo và một khẩu pháo 85mm mới.
Xe T-34-85 vẫn là xương sống của lực lượng tăng Xô viết cho đến giữa thập niên 1950 và cũng phục vụ như nền tảng huấn luyện cho các kíp xe tăng cho đến thập niên 1970.
Tái xuất ở Triều Tiên
Nơi T-34 được triển khai quy mô nhất sau Thế chiến 2 là chiến trường Triều Tiên, khi cỗ xe tăng này đối mặt với đồng minh cũ của Liên Xô là Mỹ. Địa hình núi non ở Triều Tiên ngăn việc sử dụng xe tăng ở quy mô lớn. Thay vào đó, xe tăng được sử dụng theo nhóm nhỏ, thường với kết quả khó dự đoán.
Trận giao chiến đầu tiên giữa xe tăng T-34-85 với xe tăng M24 của Mỹ diễn ra vào ngày 10/7/1950 trong trận chiến Taejon. Pháo 75mm của Mỹ tỏ ra vô hiệu trước lớp giáp trước của xe Liên Xô và 2 xe tăng Mỹ nhanh chóng bị hạ gục. Thế trận chỉ trở nên bất lợi cho quân Triều Tiên sau khi bộ binh Mỹ sử dụng súng chống tăng bazooka để tiêu diệt 7 xe tăng T-34.
Thế có lợi cho Mỹ tiếp tục tăng thêm với việc Mỹ triển khai xe tăng M26 Pershing vào ngày 17/8/1950. Khi đó pháo 90m của xe Pershing nhanh chóng bắn gục 3 chiếc T-34 trong trận đụng độ đầu tiên.
Với khác biệt về kỹ thuật, các kíp xe Mỹ được huấn luyện tốt hơn và được chuẩn bị tốt hơn về chiến thuật đã nhanh chóng vượt trội đối thủ Triều Tiên. Đến cuối cuộc chiến, phía Triều Tiên đã mất gần 100 xe tăng T-34-85 trong cuộc đấu thuần xe tăng. Số xe tăng Triều Tiên bị phá hủy do máy bay và súng bazooka đối phương còn nhiều gấp đôi. Trong khi đó, xe tăng Triều Tiên chỉ bắn hạ được 34 chiến xa Mỹ.
Mặc dù T-34-85 đã gặp được đối thủ xứng tầm là xe Pershing và xe M46 Patton, nó vẫn trên cơ xe M24 Chaffee, một phái sinh của xe M4A3E8 Sherman có vũ khí tốt hơn.
Chiến trường Cuba và Trung Đông
Xe tăng T-34 lại gây chú ý lớn vào tháng 4/1961 khi Cuba đánh bại lực lượng phản cách mạng ở Vịnh Con Lợn.
Được trang bị 10 xe tăng Sherman và 20 xe thiết giáp M8, lực lượng xâm lược được Mỹ hậu thuẫn đã hạ gục một xe tăng T-34 của chính phủ Cuba.
Lực lượng phản kích của Cuba gồm một đoàn xe tăng T-34, trong đó chiếc xe dẫn đầu chở lãnh tụ Fidel Castro trực tiếp chỉ huy đoàn quân, đã hạ được 2 xe tăng Sherman của đối phương.
Tuy nhiên bên cạnh các chiến thắng này, T-34 sau đó dần trở nên già nua trước các thế hệ xe tăng chiến đấu mới.
Trong cuộc Chiến tranh 6 Ngày năm 1967, Ai Cập mất 251 xe tăng T-34-85 – số lượng này chiếm 1/3 tổng số thiệt hại xe tăng của Ai Cập. Một điều trớ trêu là xe tăng T-34 trong cuộc chiến này lại tác chiến bên cạnh các đối thủ cũ là các xe tăng PzKpfw.IV và StuG.III của Đức thời Thế chiến 2 và được lực lượng Syria sử dụng.
Nếu trên mặt trận Ai Cập, xe tăng Israel giành chiến thắng rõ rệt thì trên mặt trận Syria, tỷ lệ thiệt hại của phe Arab ở mức thấp hơn – họ chỉ mất tổng cộng 73 xe tăng T-34-85, T-54 và PzKpfw.lV nhưng phá hủy được tới 160 xe tăng Israel.
Đây là cuộc chiến cuối cùng ở Trung Đông sử dụng xe tăng T-34 làm xe tăng chiến đấu chủ lực. Nhưng xe này vẫn được dùng làm vũ khí cố định hoặc pháo tự hành trong các cuộc xung đột sau đó.
Đến năm 1974, khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Síp, có tới 32 xe tăng T-34-85 của Hy Lạp được huy động và số chiến xa này đã thành công trong việc chặn đứng đà tiến của 200 xe tăng M47/48 Patton thuộc phe Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Hy Lạp mất 12 xe tăng, bao gồm 4 xe bị vứt bỏ, còn đối phương có 19 xe Patton bị tiêu diệt.
T-34 sau đó xuất hiện trong Nội chiến Angola, khi các đơn vị Cuba được trang bị xe tăng này đẩy lui quân Nam Phi và Zaire.
Cuối cùng cỗ máy chiến đấu này lại có mặt trong nội chiến ở vùng Balkan, được tất cả các phe sử dụng.
Đến tận năm 2014, xe T-34 vẫn được các chiến binh thân Nga ở miền đông Ukraine sử dụng để tác chiến./.