Vụ rơi UAV S-70 Okhotnik tiết lộ chiến thuật mới Nga đang thử nghiệm ở Ukraine
VOV.VN - Defense Express cho rằng, Lực lượng Nga đang thử nghiệm máy bay không người lái tấn công hạng nặng S-70 Okhotnik trong vai trò là phương tiện mang bom lượn thông minh UMPB D-30.
Phương tiện mới để phóng bom lượn
Theo Defense Express, trong số các mảnh vỡ của máy bay chiến đấu không người lái hạng nặng S-70 Okhotnik mà lực lượng nước của Kiev thu được có cả các mảnh vỡ của bom lượn UMPB D-30. Loại bom này lần đầu tiên được ghi nhận trong các cuộc không kích tầm xa do Nga tiến hành vào Kharkov hồi tháng 3/2024.
Sự xuất hiện của mảnh bỡ bom UMPB D-30 tại địa điểm rơi chiếc UAV hạng nặng của Nga cho thấy lực lượng của Moscow có ý định sử dụng S-70 Okhotnik trong vai trò là phương tiện mang bom lượn thông minh UMPB D-30.
Từ trước khi các bức ảnh chụp mảnh vỡ bom UMPD D-30 lan truyền trên mạng xã hội, Defense Express đã giải thích vì vai trò này phù hợp với S-70. Đó là bởi vì các nhiệm vụ tiên tiến hơn, như hộ tống máy bay chiến đấu có người lái, vẫn nằm ngoài khả năng của nó.
Việc lựa chọn UMPB D-30 thay vì UMPK được sử dụng phổ biến hơn là do đặc điểm thiết kế và đặc tính tàng hình của S-70, chỉ có khoang vũ khí bên trong, không có điểm treo dưới cánh. UMPK, thường được lắp trên dòng bom FAB lớn, không vừa với các khoang bên trong của UAV S-70.
Hơn nữa, UMPB D-30 có tầm bắn xa hơn. Không giống như UMPK, về cơ bản là một quả bom rơi tự do được trang bị cánh nâng và hệ thống dẫn đường, UMPB được thiết kế cho bom lượn ngay từ đầu, có tầm bắn lên tới 90 km. Điều này cho phép S-70 thực hiện các cuộc tấn công từ khoảng cách xa hơn và an toàn hơn.
Bên cạnh đó, Nga quảng cáo rằng Okhotnik là máy bay không người lái tàng hình vì thế Moscow có thể sẽ cố gắng triển khai nó gần tiền tuyến hơn để mở rộng phạm vi tấn công của bom UMPB D-30 vào sâu hơn bên trong lãnh thổ của đối phương.
Nga có thể coi sự kết hợp máy bay không người lái-bom lượn này là một giải pháp hiệu quả cho các cuộc không kích vào Ukraine. Thực hiện các nhiệm vụ như vậy sẽ chỉ gây nguy hiểm cho một máy bay không người lái, mặc dù cũng rất tốn kém. Ngoài ra, việc vận hành máy bay không người lái tiết kiệm chi phí hơn so với việc triển khai một máy bay có người lái như Su-34, một phần là do thiết kế một động cơ của UAV, giúp giảm chi phí bảo dưỡng và tiếp nhiên liệu.
Theo Forbes, hiện tại, khoảng 100 máy bay ném bom Sukhoi Su-34 là phương tiện chính để phóng bom lượn của không quân Nga. Nhưng phi đội Su-34 đã trải qua một cuộc chiến khó khăn. Lực lượng phòng không Ukraine tuyên bố đã bắn hạ ít nhất 29 chiếc kể từ khi xung đột bùng phát vào tháng 2/2022.
Việc bổ sung UAV S-70 Okhotnik vào chiến dịch ném bom lượn sẽ giúp các trung đoàn Su-34 có cơ hội nghỉ ngơi và đảm bảo an toàn tính mạng cho các phi công vốn được xem là “tài sản” quý giá và khó thay thế.
Nguyên mẫu hay mẫu sản xuất
Okhotnik có chuyến bay đầu tiên vào năm 2019 và cuộc thử nghiệm thả bom đầu tiên diễn ra 2 năm sau đó. Theo bản kế hoạch của năm 2020, Nga dự kiến sản xuất hàng loạt những máy bay không người lái này từ năm 2023.
Defense Express cho rằng, đến nay, Nga vẫn chưa bắt đầu sản xuất hàng loạt S-70 Okhotnik và hiện chỉ có 4 nguyên mẫu, trong đó nguyên mẫu mới nhất vừa bị rơi gần đây. Do đó, viễn cảnh các phi đội máy bay không người lái này xuất hiện trên bầu trời Ukraine vẫn còn xa vời.
Trong khi đó, Fighterbomber, được cho là kênh Telegram không chính thức của không quân Nga, cho hay “Nga đã bắt đầu sử dụng ồ ạt các UAV tấn công hạng nặng Inokhodets và Okhotnik trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Rõ ràng là những chiếc Inokhodets đã thường xuyên thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời Ukraine. Lực lượng Ukraine đã bắn hạ ít nhất 7 chiếc Inokhodets. Tuy hiện chưa có các dữ liệu rõ ràng về sự đóng góp của Okhotnik trong các nhiệm vụ của Nga.
Fighterbomber cũng nói rằng, Okhotnik bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine là một mẫu sản xuất, không phải là nguyên mẫu. Tuy nhiên rất khó để xác minh tuyên bố này.
Ngày 5/10, Nga xác nhận mất UAV tàng hình hạng nặng S-70 Okhotnik ở khu vực Donetsk do Ukraine kiểm soát.
Theo các báo cáo, cặp máy bay, bao gồm một chiếc Su-57 có người lái và một chiếc S-70 không người lái, cất cánh từ Căn cứ Không quân Akhtubinsk, cách tiền tuyến khoảng 580km, để thực hiện chuyến bay thử nghiệm. Tuy nhiên, một trục trặc kỹ thuật đã khiến chiếc UAV mất liên lạc với người điều khiển từ mặt đất, lệch hướng về phía lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.
Dữ liệu vô tuyến từ trung tâm điều khiển chuyến bay cho thấy các chỉ huy mặt đất đã ra lệnh cho phi công Su-57 bay cùng S-70 cố gắng thay đổi đường bay của chiếc UAV, thậm chí còn đề xuất sử dụng cánh máy bay để tác động nhằm khiến nó chuyển hướng. Cuối cùng, quyết định được đưa ra là phóng một tên lửa không đối không để bắn hạ chiếc S-70.
Một chiếc UAV có thể hạ cánh gần như nguyên vẹn vào bên kia phòng tuyến không khác gì trao bí mật công nghệ của mình vào tay đối phương. Nga có lẽ hy vọng rằng, bằng cách bắn hạ UAV, họ sẽ khiến nó trở nên khó hiểu đối với các nhà phân tích nước ngoài.
Các chuyên gia Ukraine sẽ nghiên cứu xác UAV thu được, đặc biệt là các thành phần điện tử của máy bay, để xem có phát hiện ra các linh kiện từ nước ngoài hay không, giống như nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến khác của Nga.
Phân tích này có thể phát hiện ra các kênh cung cấp những thành phần như vậy cho Nga. Mặc dù có thể không thể cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp hàng lậu, nhưng các lệnh trừng phạt tiếp theo do phương Tây áp đặt sẽ khiến Nga khó mua được các linh kiện quan trọng cho sản xuất quốc phòng hơn.