3 dấu hiệu bất thường của nước tiểu cần chú ý kẻo mắc bệnh
VOV.VN - Những dấu hiệu này là kết quả của nghiên cứu dựa trên 130.000 người tham gia.
Nghiên cứu trên 130.000 người cho thấy bệnh tiểu đường làm giảm đáng kể tuổi thọ, đặc biệt ở nam giới và người cao tuổi. Bài viết này giúp bạn nhận biết 3 dấu hiệu bất thường của nước tiểu và những chỉ số cần kiểm soát để sống khỏe với căn bệnh này.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng tuổi thọ
Theo nghiên cứu mới nhất được thực hiện trong năm 2024, từ nhóm của giáo sư Lưu Đông Phương, Bệnh viện số 2 trực thuộc Đại học Y khoa Trùng Khánh, được công bố trên Tạp chí Journal of Diabetes, kể từ năm 1990 đến 2021, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở Trung Quốc xu hướng tăng mạnh. Tính đến năm 2021, tổng số người mắc bệnh tiểu đường ở nước này vượt quá 117 triệu người.
Các nhà nghiên cứu mời 130.000 người tham gia thí nghiệm. Bằng cách so sánh tỷ lệ tử vong và tuổi thọ trong 6 năm ở những người có đường huyết bình thường, người mắc bệnh tiểu đường và người tiền tiểu đường, họ phát hiện ra rằng gần 4/5 số ca tử vong trong khoảng thời gian này xảy ra ở người bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường. Trong đó, tuổi thọ của bệnh nhân tiểu đường so với người có đường huyết bình thường giảm lần lượt là 4,3 năm ở nam và 4,2 năm ở nữ.
Đối với những người tiền tiểu đường, tuổi thọ trung bình giảm 0,7 năm. Hơn nữa, so với nhóm đường huyết bình thường, nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành tim ở bệnh nhân tiểu đường/tiền tiểu đường lần lượt tăng 51% và 13%. Nguy cơ tử vong do đột quỵ lần lượt tăng 55% và 5%.
3 dấu hiệu bất thường ở nước tiểu cần cảnh giác
Có thể nói, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và tốc độ tăng trưởng bệnh này ở Trung Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới, thậm chí các nhà khoa học cho biết, cứ 10 người thì có thể có 1 người mắc bệnh tiểu đường. Đường huyết cao là yếu tố quan trọng, vì tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự bài tiết bình thường của tuyến tụy, dẫn đến kháng insulin và cuối cùng là bệnh tiểu đường. Vậy làm thế nào để biết mình có bị đường huyết cao hay không? Các bác sĩ đã chỉ ra 3 tín hiệu báo trước như sau.
Có bọt
Nếu khi đi tiểu, bạn thấy nước tiểu sủi bọt và bọt ngày càng nhiều, lâu tan thì cần chú ý vì có thể do hàm lượng glucose, ketone tăng cao, dẫn đến lượng protein trong nước tiểu tăng, gây ra hiện tượng này.
Mùi lạ
Thông thường, nước tiểu không có mùi đặc biệt. Tuy nhiên nếu đường huyết cao kéo dài, tuyến tụy tiết không đủ, có thể dẫn đến hàm lượng ketone tăng. Khi đó, nước tiểu được bài tiết ra ngoài sẽ có mùi táo thối.
Tiểu đêm nhiều lần
Đường huyết tăng cũng kèm theo việc đi tiểu thường xuyên hơn. Vì đường huyết tăng sẽ làm tăng nhu cầu đi tiểu nhiều hơn. Ngoài ra, các ống thận bị ảnh hưởng, không thể hấp thụ glucose được lọc bởi cầu thận một cách bình thường, cũng sẽ dẫn đến hiện tượng tiểu đêm nhiều lần.