5 hiểu nhầm thường gặp về bệnh cúm ở người cao tuổi
VOV.VN - Cúm chỉ là bệnh cảm vặt thông thường, vaccine cúm gây mắc bệnh cúm, dùng kháng sinh diệt được cúm… là những hiểu lầm thông thường khiến nhiều người cao tuổi bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh cúm sớm.
Ai cũng có thể mắc cúm, tuy nhiên, ở người cao tuổi và có bệnh lý mạn tính, cúm dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong gấp nhiều lần. Tuy nhiên, hiện nhiều người cao tuổi vẫn chưa hiểu rõ về bệnh cúm cũng như vaccine dẫn đến chủ quan và bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh. Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC nêu các hiểu lầm thường gặp về bệnh cúm ở người cao tuổi và có bệnh nền.
Cúm chỉ là bệnh cảm vặt thông thường?
Cúm và cảm lạnh đều là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nhưng có tác nhân gây bệnh khác nhau. Trong đó cảm lạnh chủ yếu gây viêm mũi, họng và tự khỏi sau vài ngày. Còn cúm do các chủng cúm A, B, C gây các triệu chứng nặng hơn như sốt, đau đầu, nhức mỏi cơ. Bệnh có thể trở nặng và gây các biến chứng nghiêm trọng như: Viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng đặc biệt ở các đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người có bệnh lý mạn tính, người cao tuổi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có khoảng 1 tỷ ca mắc, 3-5 triệu ca mắc bệnh nặng và khoảng 290.000-650.000 ca không qua khỏi. (1) Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta ghi nhận từ 600.000 – 1 triệu trường hợp mắc cúm mùa. (2) Mới đây nhất, nước ta đã ghi nhận 4 trường hợp tại Bình Định tử vong do mắc cúm A/H1N1, chủ yếu có bệnh lý mạn tính và nhiều ca viêm phổi nặng do cúm. (3)
Dùng kháng sinh sẽ diệt được cúm?
Theo bác sĩ Chính, virus có cấu tạo và cơ chế hoạt động khác với vi khuẩn. Nếu như vi khuẩn tấn công tế bào từ bên ngoài thì virus sẽ bám vào các tế bào khỏe mạnh của vật chủ và nhân lên, dùng kháng sinh sẽ không tiêu diệt được.
Ngược lại, lạm dụng kháng sinh có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí làm tăng nguy cơ biến chứng và đề kháng thuốc. Tự ý dùng thuốc còn có thể gây quá liều, ngộ độc khiến việc điều trị cúm gặp nhiều khó khăn hơn.
Để cơ thể tự nhiễm cúm tốt hơn tiêm vaccine?
Việc để cơ thể tự tạo miễn dịch khi mắc bệnh, có nhiều rủi ro về sức khỏe bởi cơ thể chưa được tập dượt trước sự xâm nhập của virus cúm. Trong khi đó tiêm vaccine là cách bảo vệ an toàn, giúp hệ miễn dịch ghi nhớ cách phòng thủ và đẩy lùi hiệu quả mầm bệnh, hạn chế biến chứng. Ở người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền, hệ miễn dịch suy giảm, cúm gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp còn có thể tạo điều kiện cho các tác nhân khác như vi khuẩn, virus, nấm xâm nhập làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Chẳng hạn, phế cầu khuẩn thường trú ở vùng hầu họng có thể xâm lấn gây viêm phổi ở người mắc cúm, tăng nguy cơ tử vong.
Theo Trung tâm kiểm soát phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ, người mắc đái tháo đường tử vong do biến chứng của cúm cao gấp 3 lần người khỏe mạnh. (4) Cúm là nguyên nhân khởi phát đợt cấp, khiến cơn hen diễn tiến nặng hơn, gây bội nhiễm dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp. Cứ 4 người nhập viện thì có 3 người tử vong do cúm ở độ tuổi trên 65. (5)
Vaccine cúm gây mắc bệnh cúm, không an toàn?
Nhiều người cho rằng tiêm vắc-xin cúm sẽ mắc bệnh cúm do gặp các triệu chứng “giả cúm” như sốt nhẹ, sưng tại chỗ tiêm, đau nhức cơ thể. Tuy nhiên, đây là các phản ứng thông thường, chỉ kéo dài 1 - 2 ngày sau tiêm cho thấy vaccine kích thích cơ thể sinh kháng thể, đáp ứng tốt với vaccine.
Các loại vaccine cúm được sử dụng tại Việt Nam được bào chế từ thành phần của virus đã bị bất hoạt, tức là virus cúm sau khi được nuôi cấy, bị làm chết bằng nhiệt, tia xạ hoặc hóa chất, không còn khả năng gây bệnh nhưng có thể kích thích cơ thể tạo kháng thể, chống lại virus cúm thật xâm nhập.
Không cần tiêm vaccine cúm vì tiêm xong vẫn mắc cúm?
Cũng như các loại vaccine khác, vaccine cúm không đảm bảo chặn bệnh cúm 100%. Vaccine cúm cần 2-3 tuần để tạo kháng thể bảo vệ, do đó nếu người tiêm mắc cúm trong vòng 14 ngày sau tiêm có thể do đã tiếp xúc với virus trước hoặc sau khi được tiêm phòng. Bên cạnh đó, vaccine cúm giúp phòng ngừa các chủng cúm phổ biến lưu hành gồm: Cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria và B/Yamagata. Do đó, người đã tiêm cúm vẫn có khả năng mắc bệnh do các tác nhân khác hoặc các chủng cúm không có trong vaccine.
Các nghiên cứu cho thấy vắc-xin có hiệu quả phòng bệnh đến 90%, ở người cao tuổi và mắc bệnh nền, vaccine giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Vaccine cần tiêm nhắc lại hàng năm để phòng những chủng cúm mới lưu hành và thay đổi theo từng năm.
Bác sĩ Chính lưu ý chủ động tiêm vaccine phòng cúm hằng năm là giải pháp phòng bệnh hiệu quả và tiết kiệm, đặc biệt với người cao tuổi dễ gặp biến chứng nặng khi mắc cúm. Đối với người cao tuổi, sức khỏe là món quà quý giá. Tết này hãy đưa cha mẹ đi tiêm phòng để những khoảnh khắc khỏe mạnh an vui được trọn vẹn. Bản thân người cao tuổi cũng có thể chủ động đi tiêm ngừa để bảo vệ sức khỏe cho chính mình vì món quà Tết lớn nhất đối với con cái là cha mẹ sống vui, sống khỏe.