AstraZeneca thử nghiệm vaccine tăng cường chống lại biến thể COVID-19
VOV.VN - AstraZeneca và Đại học Oxford vừa bắt đầu thử nghiệm vaccine tăng cường để chống lại biến thể Beta của COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi.
Khoảng 2.250 người sẽ tham gia thử nghiệm vaccine tăng cường thuộc các quốc gia Anh, Nam Phi, Brazil và Ba Lan. Trong số này bao gồm cả những người đã được chủng ngừa đầy đủ 2 liều vaccine của Oxford-AstraZeneca hoặc của Pfizer, cũng như những người chưa tiêm vaccine nào.
Vaccine của AstraZeneca là một loại vaccine mang vector của virus, được sản xuất từ một phiên bản suy yếu của virus cảm lạnh thông thường gây nhiễm trùng ở tinh tinh. Nó đã được thay đổi chỉ dẫn di truyền để áp dụng cho tế bào con người nhằm làm cho các protein đột biến nhô ra bên ngoài bề mặt virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, vaccine của Pfizer/BioNtech và Moderna sử dụng công nghệ mới là RNA thông tin (mRNA), gói gọn trong những giọt chất béo nhỏ. Những giọt chất béo này che chắn RNA, ngăn phá vỡ RNA và chỉ thị các tế bào tạo protein đột biến.
Vaccine tăng cường AZD2816
Vaccine tăng cường, được gọi là AZD2816, được thiết kế bằng cách sử dụng cơ sở giống với mũi tiêm AstraZeneca chính nhưng có những thay đổi nhỏ về mặt di truyền đối với protein đột biến dựa trên biến thể Beta.
Theo ông Andrew Pollard, điều tra viên chính và giám đốc của nhóm vaccine Đại học Oxford, việc thử nghiệm liều tăng cường của vaccine hiện có và vaccine biến thể mới là rất quan trọng để đảm bảo chúng ta có sự chuẩn bị tốt nhất trước các kịch bản của đại dịch. Anh nằm trong số ít những quốc gia thành công trong việc triển khai chương trình vaccine, nhưng các chuyên gia không biết sự bảo vệ này sẽ kéo dài bao lâu.
Trong khi đó chuyên gia Maheshi Ramasamy cũng thuộc Nhóm vaccine của Đại học Oxford cho biết, nghiên cứu sẽ cung cấp bằng chứng quan trọng về việc liệu có thể cần thêm liều tăng cường hoặc liều điều chỉnh để chống lại các biến thể virus mới trong tương lai hay không. Dữ liệu ban đầu của cuộc thử nghiệm dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Các loại vaccine hiện tại được cho là kém hiệu quả hơn đối với biến thể Beta, dù hiện nay, biến thể Delta, phát hiện lần đầu tiên Ấn Độ, đang gây ra nhiều lo ngại nhất. Hầu hết những loại vaccine được cấp phép hiện nay đều được xác nhận có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, tính chất dễ lây truyền của biến thể Delta đang dẫn đến sự gia tăng đột biến số ca mắc ở một số quốc gia, bao gồm cả Anh./.