Bé uống nhầm dầu máy khâu: Cách xử lý
VOV.VN - BS Phạm Văn Hưng khuyên các phụ huynh tuyệt đối không nên gây nôn vì dầu là chất bay hơi. Việc gây nôn sẽ dẫn đến dầu thấm vào kẽ phổi nhanh hơn.
Vừa qua, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trường hợp bệnh nhi Nguyễn Ngọc A, 4 tuổi, ở Lạc Trung, Hà Nội. Cô bé Ngọc A nhanh nhẹn và hoạt bát. Qua trao đổi, mẹ bé Ngọc A cho biết: gia đình chị có chứa dầu máy khâu ở trong chai lavie. Cô con gái Ngọc A do không biết nên đã mở ra uống.
Thấy con kêu, gia đình chị chạy lại mới phát hiện bé uống nhầm chai dầu máy khâu. Bố bé Ngọc A lập tức gây nôn cho con bằng phương pháp móc họng. Tuy nhiên thấy con vẫn ho sặc sụa nên gia đình đưa bé Ngọc A vào Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi thăm khám lâm sàng, bé Ngọc A tỉnh, không sốt, không khó thở… kết quả XQ tim phổi thấy mờ rốn phổi phải.
Bác sỹ Phạm Văn Hưng, người trực tiếp điều trị cho bé Ngọc A cho biết: bệnh nhi có dấu hiệu tổn thương phổi và đang được điều trị theo phác đồ viêm phổi. Trong tình huống này, bác sỹ khuyên các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên gây nôn vì dầu là chất bay hơi. Việc gây nôn sẽ dẫn đến dầu thấm vào kẽ phổi nhanh hơn. Với trường hợp này, cần thiết đưa bé đến ngay bệnh viện để các bác sỹ tiến hành các biện pháp xử lý phù hợp. Nếu uống lượng nhiều có ảnh hưởng nặng nề đến chức năng thần kinh thì sau khi đặt nội khí quản kiểm soát đường thở rồi tiến hành rửa dạ dày theo chỉ định và dưới sự theo dõi chặt chẽ của nhân viên y tế.
BS. Nguyễn Thành Nam, Trưởng Khoa Nhi cho biết: Khoa Nhi rất hay nhận các trường hợp uống nhầm dầu máy khâu, uống nhầm nước rửa tay, nhỏ nhầm cồn vào mũi… Việc nhỏ cồn vào mũi trẻ vô cùng nguy hại. Nó có thể dẫn đến bỏng niêm mạc mũi, kích thích niêm mạc mũi. Nặng hơn, nếu hít phải nhiều có thể dẫn đến ngộ độc cồn, viêm phổi.
Vì vậy, các bác sĩ khuyên các bậc cha mẹ không nên tận dụng chai nước khoáng để chứa các dung dịch khác nhau…/.