Bệnh bạch hầu tái xuất hiện: Khoảng trống miễn dịch cần phải nhanh chóng lấp đầy
VOV.VN - Bệnh bạch hầu vẫn xuất hiện rải rác hàng năm là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng căn bệnh này còn thấp, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Do đó cần một chiến lược tổng thể và chỉ đạo quyết liệt để xử lý một cách triệt để dịch bệnh này.
Tỷ lệ tiêm phòng thấp khiến dịch bạch hầu vẫn xuất hiện hàng năm
Những năm gần đây, số ca mắc bạch hầu vẫn xuất hiện rải rác tại các địa phương và có xu hướng tăng trở lại. Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2023, cả nước ghi nhận 57 ca bệnh, trong đó 7 trường hợp tử vong. Từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận 9 ca mắc bạch hầu, trong đó 1 bệnh nhân tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, sở dĩ, bệnh bạch hầu vẫn xuất hiện rải rác hàng năm tại các địa phương là do tỉ lệ tiêm vaccine phòng căn bệnh này còn thấp, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa - địa phương vừa mới xuất hiện dịch bạch hầu với 3 trường hợp mắc bệnh cũng là một trong những địa bàn thuộc vùng lõm của tiêm chủng.
Theo bác sĩ Hà Thị Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, 3 bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu gồm 1 thai phụ, 1 trẻ nhỏ và 1 người cao tuổi hiện đang sinh sống tại khu phố Đoàn Kết. Hai người lớn có lịch sử tiêm chủng không rõ ràng còn cháu bé thì chưa tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu. Mặc dù thời gian qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của huyện Mường Lát đã nỗ lực tuyên truyền cũng như mang vaccine đến tận thôn bản song người dân chưa chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng.
Cùng với hạn chế về nhận thức của một bộ phận người dân, một nguyên nhân lớn khiến nhiều trẻ em trên địa bàn huyện Mường Lát chưa được tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng là do vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng không được cung cấp đầy đủ.
“Tình trạng thiếu vaccine đã kéo dài mấy năm nay. Mường Lát là huyện khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, đường xá đi lại khó khăn, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, không có điều kiện về kinh tế nên việc tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ chỉ trông chờ vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, vaccine không được cung cấp đầy đủ, tháng có tháng không” - BS Hà Thị Phúc nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Bình Yên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bạch hầu những năm gần đây của thị trấn Mường Lát chưa đạt yêu cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình trạng khan hiếm vaccine có thành phần bạch hầu. Với tỷ lệ tiêm chủng còn thấp thì không chỉ bạch hầu mà các dịch bệnh khác vẫn đang là mối lo ngại lớn đối với ngành y tế địa phương.
“Từ đầu năm đến nay, mặc dù tình trạng khan hiếm vaccine đã được cải thiện dần nhưng vẫn chưa được cung cấp đầy đủ, các trạm y tế cho biết khi người dân đến tiêm thì chưa đáp ứng được nhu cầu” - BS Hoàng Bình Yên nói.
Hiện nay, khi dịch bạch hầu đã xuất hiện trên địa bàn huyện Mường Lát, điều mà BS Hà Thị Phúc và BS Hoàng Bình Yên mong mỏi nhất là có vaccine để tiêm bù, tiêm vét và tiêm nhắc lại cho người dân tại nơi xảy ra ổ dịch, nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh.
Cần nhanh chóng lấp đầy khoảng trống miễn dịch bằng vaccine
Vaccine phòng bệnh bạch hầu đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985, nhờ đó tạo được miễn dịch trong cộng đồng. Trong suốt giai đoạn từ năm 2004 đến 2019, số ca mắc bệnh đã giảm xuống rất thấp, chỉ khoảng từ 10 đến 50 ca mỗi năm. Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, từ năm 2020 trở lại đây, việc gia tăng các ca bệnh bạch hầu đã bộc lộ những khoảng trống miễn dịch đối với căn bệnh này và cần nhanh chóng lấp đầy khoảng trống này bằng vaccine.
“Khi xuất hiện một ca bệnh bạch hầu tức là đã có sự cảnh báo và cần giải quyết ngay. Nếu chậm trễ sẽ dẫn đến các ca bệnh lẻ tẻ lan rộng, giống như đốm lửa nhỏ nếu không dập tắt ngay sẽ bùng lên thành đám cháy lớn. Tôi cho rằng, khi mà xuất hiện ca bệnh thì các địa phương cần phải rà soát và tiêm bổ sung ngay cho những trường hợp chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Cần phải có một chiến lược tổng thể và quyết liệt chỉ đạo để xử lý một cách triệt để thì mới ngăn chặn được dịch bệnh” - PGS-TS Đỗ Duy Cường nói.
Thời gian qua, đa số các trường hợp mắc bạch hầu là người lớn. Điều đó chứng tỏ việc tiêm nhắc lại vaccine cho người lớn để phòng bệnh bạch hầu chưa được quan tâm đúng mức. PGS-TS Đỗ Duy Cường đề xuất, cần cung ứng, phân phối vaccine một cách đầy đủ và phù hợp, đều đặn, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi.
“Tuy nhiên, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thì thiếu thốn đủ thứ chứ không chỉ mỗi vaccine. Ngoài việc cung ứng vaccine thì còn cần quan tâm các yếu tố khác như công tác tổ chức, cán bộ y tế, đời sống người dân...để bà con có điều kiện quan tâm đến sức khỏe và phòng bệnh” - vị chuyên gia truyền nhiễm nói.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố, bệnh dễ lây lan, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Để khống chế và kiểm soát tốt bệnh bạch hầu, không để lây lan từ địa phương này sang địa phương khác, PGS-TS Đỗ Duy Cường cho rằng, khi xuất hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần phát hiện sớm, truy vết và khoanh vùng, cách ly một cách kịp thời. Đặc biệt, người bệnh cần được cứu chữa kịp thời để tránh nguy cơ tử vong.
“Bệnh nhân bạch hầu cần được ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nơi không có huyết thanh, do đó tỷ lệ thành công trong điều trị chỉ đạt 50%. Một yếu tố quan trọng nữa là phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị đúng, kịp thời nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên hiện nay, tại nhiều nơi căn bệnh này đã rơi vào quên lãng nên có những trường hợp phát hiện muộn, không được chữa trị kịp thời dẫn đến bệnh diễn tiến nặng và tử vong. Do đó, cần thiết tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm cho người bệnh” - PGS. TS Đỗ Duy Cường nói.