Béo phì lúc trẻ, loãng xương khi già
Mật độ xương của trẻ béo phì thấp hơn 5-6% do thiếu các khoáng chất
Trẻ em thừa cân phát triển xương to hơn để “gánh” trọng lượng thừa. Khảo sát của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Anh (MRC) trên 499 trẻ em 6 tuổi khỏe mạnh cho thấy, mật độ xương của chúng thấp hơn 5-6% do chúng thiếu các khoáng chất để làm cho xương chắc khỏe.
Nghiên cứu cũng cho thấy, tình trạng béo phì ở trẻ em sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương, yếu xương hông và gãy sống lưng khi về già, do 90% khối lượng xương được tích tụ trong thời thơ ấu, trực tiếp tác động đến độ chắc khỏe của xương về sau này.
Đây là một phần dự án nghiên cứu lớn hơn do MRC phối hợp với một tổ chức ở Southampton thực hiện nhằm tìm hiểu lối sống, chế độ ăn uống và các tác nhân môi trường trong thời kỳ mang thai và thời thơ ấu tác động đến các bệnh liên quan đến tuổi già như tiểu đường típ 2 và bệnh tim.
Theo các chuyên gia, phát hiện mới cho thấy việc xử lý tình trạng béo phì thời thơ ấu đang trở nên cấp thiết hơn do chi phí ngăn ngừa và điều trị bệnh loãng xương không rẻ./.