Bổ sung Vitamin A giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi
VOV.VN - Trẻ bị sởi thường chán ăn, bỏ ăn do bị viêm loét ở miệng, do tình trạng nhiễm trùng giảm hấp thu chất dinh dưỡng.
>> 23 triệu trẻ em Việt Nam sẽ được tiêm vaccine sởi-rubella
>> Nghệ An: Một cháu bé tử vong do dịch sởi Rubella
>> Đảm bảo cho tất cả trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm vaccine sởi, rubella
Trước tình hình bệnh sởi lan nhanh như hiện nay, PGS. Nguyễn Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng đã có những khuyến cáo về chăm sóc các bệnh nhân mắc sởi: Trẻ em mắc sởi đều phải được uống vitamin A.
Theo PGS. Nguyễn Danh Tuyên, bệnh sởi tiến triển nặng ở trẻ nhỏ có tình trạng dinh dưỡng kém, đặc biệt là thiếu vitamin A, suy dinh dưỡng hoặc trẻ có hệ thống miễn dịch suy giảm và do sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên bệnh nhân dễ bị biến chứng.
Bệnh sởi chính là tác nhân gây ảnh hưởng tới tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Trẻ bị sởi thường chán ăn, bỏ ăn hay từ chối không ăn do bị viêm loét ở miệng, do tình trạng nhiễm trùng; nôn và tiêu chảy không chỉ làm tăng nhu cầu một số chất dinh dưỡng mà còn tăng đào thải và giảm hấp thu chất dinh dưỡng.
Do đó, phác đồ điều trị bệnh sởi của Bộ Y tế chỉ rõ, trẻ phát hiện mắc bệnh sởi cần được uống ngay vitamin A theo liều sau: Trẻ dưới 6 tháng tuổi uống 50.000 đơn vị/ ngày trong 2 ngày liên tiếp. Trẻ 6 -12 tháng cần uống 100.000 đơn vị/ngày trong 2 ngày liên tiếp. Trẻ trên 12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ đang mang thai) cần phải uống 200.000 đơn vị/ngày trong 2 ngày liên tiếp.
Trong trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A, cần lặp lại phác đồ điều trị trên sau 4-6 tuần. Việc bổ sung này giúp dự trữ vitamin A trong thời gian mắc bệnh sởi, kể cả ở trẻ được nuôi dưỡng tốt và có thể giúp bảo vệ mắt, chống mù lòa. Bổ sung vitamin A đã được một số nghiên cứu chứng minh làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi. Do đó, bắt buộc tất cả trẻ em mắc sởi đều phải được uống vitamin A theo phác đồ của Bộ Y tế.
Chăm sóc dinh dưỡng là vô cùng quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh sởi để giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng khi đã mắc. Trẻ suy dinh dưỡng thường dễ bị mắc sởi và bị biến chứng nặng. Ngược lại trẻ bị mắc sởi lại dễ bị suy dinh dưỡng thậm chí suy dinh dưỡng nặng.
Do đó nếu trong quá trình điều trị bệnh sởi, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng nặng sẽ cần được áp dụng chế độ điều trị suy dinh dưỡng. Việc lựa chọn thực phẩm hợp lý và chế độ dinh dưỡng đúng cách sẽ mang lại lợi ích trong việc phòng và chữa bệnh sởi./.