Cần có chiến lược dài hơi về sức khỏe tâm thần

VOV.VN - Gần 15% dân số (khoảng 13,5 triệu người) Việt Nam đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến và khoảng 3 triệu người mắc các rối loạn tâm thần nặng.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong 35 nước chưa có luật về sức khỏe tâm thần. Đây là những thách thức được đưa ra tại Hội thảo tham vấn về Chiến lược Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến 2030 do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp với tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 7/12.

Những con số đáng lo ngại

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần được định nghĩa là một tình trạng sức khỏe mà mỗi cá nhân nhận thức rõ khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả và thành công và có thể đóng góp cho cộng đồng.

Rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới, ước tính gây ra khoảng 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Ở nước ta, kết quả điều tra quốc gia năm 1999-2000 cho thấy tỷ lệ mắc 10 bệnh tâm thần thường gặp (gồm tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ ở người già, loạn tâm thần sau chấn thương sọ não, chậm phát triển tâm thần, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, rối loạn tâm thần do rượu, ma túy) chiếm khoảng 15% dân số (tương đương với khoảng 13,5 triệu người) mắc bệnh.

Theo PGS, TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam: Rối loạn tâm thần chiếm tỷ lệ cao trong nhân dân, tỷ lệ bệnh có khác nhau theo từng nhóm tuổi, giới tính và nghề nghiệp, chủng tộc và ở mỗi quốc gia khác nhau.

Theo bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, người bình thường trong suốt cuộc đời có ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng tâm thần.

Như vậy, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần ở nước ta là một vấn đề lớn vì tính phổ biến của bệnh và sự ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; cần được xã hội quan tâm, chăm lo và đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa.

Tại Hội thảo, TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong thời gian qua, ngành y tế đã  hình thành mạng lưới các cơ sở khám, chữa bệnh tâm thần từ trung ương đến địa phương, với cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế từng bước được đầu tư hiện đại. Đội ngũ các cán bộ thày thuốc chuyên môn sâu về tâm thần được đào tạo và phát triển, đồng thời thường xuyên cập nhật được các kỹ thuật chuyên môn sâu về khám chữa bệnh tâm thần ở các BV tuyến trung ương và một số BV tuyến tỉnh.

Mặc dù vậy, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần, phòng, chống các rối loạn tâm thần, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại như hệ thống các cơ sở chuyên khoa tâm thần còn khó khăn, cơ sở vật chất chưa bảo đảm, nhân lực chuyên môn thiếu và yếu, không đầy đủ, hệ thống cung cấp dịch vụ không đầy đủ, không toàn diện, không đảm bảo tính hệ thống, sự kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại, sự phối hợp, hợp tác liên ngành, đa lĩnh vực thực hiện hiệu quả chưa cao, chính sách thu hút nhân lực về tâm thần chưa phù hợp, còn thiếu văn bản luật pháp và hạn chế trong giám sát thực thi luật, chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa được chú trọng đến một số nhóm đặc biệt: trẻ em, vị thành viên, phụ nữ, người cao tuổi, thiên tai, thảm họa...

Cần có chiến lược dài hơi

Hiện tại, Việt Nam là một trong 35 nước chưa có luật về sức khỏe tâm thần. Hơn một nửa các nước Đông Nam Á không có hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng hay hoạt động điều trị các rối loạn tâm thần nặng tại tuyến cơ sở, các bệnh viện và viện vẫn là cơ sở điều trị chủ yếu. Với thực trạng như vậy, Nghị quyết của Hội đồng Y tế thế giới tháng 5/2012 đã đưa ra khuyến cáo rằng các quốc gia cần có các đáp ứng toàn diện và có phối hợp ở cấp độ quốc gia nhằm ứng phó với gánh nặng bệnh tâm thần.

Tại Việt Nam, trước nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức tâm thần của nhân dân, nhằm giảm bớt gánh nặng do rối loạn tâm thần gây ra, việc hoàn thiện hành lang chính sách và luật pháp, cũng như tăng cường việc chỉ đạo điều hành trong công tác chăm sóc sức khỏe là một trong những giải pháp quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về Chăm sóc Sức khỏe tâm thần cho giai đoạn 2016-2025 nhằm đưa ra định hướng cho công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn diện, lồng ghép và dựa vào cộng đồng. Ngoài ra, việc xây dựng Luật Sức khỏe Tâm thần, thành lập Ủy ban Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần để điều phối liên ngành hiệu quả, và thiết lập đơn vị chuyên trách về sức khỏe tâm thần trong Bộ Y tế là những vấn đề cần được ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.

Việc xây dựng Chiến lược quốc gia Sức khỏe tâm thần cho giai đoạn dài hạn là thực sự cần thiết và quan trọng để Việt Nam đưa ra tầm nhìn, xác định mục tiêu cho dài hạn, xác định các kế hoạch hành động ưu tiên, khả thi, chi phí và hiệu quả để định hướng cho các cơ quan liên quan, các địa phương triển khai thực hiện, nhằm tăng cường sức khỏe tâm thần, dự phòng các rối loạn tâm thần, phát hiện sớm, điều trị, quản lý, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội, cho những người bị rối loạn tâm thần. Sự điều hành của Chính phủ và những cam kết về chính trị thông qua chương trình này là điều rất cần thiết để điều phối các ngành khác nhau trong việc hạn chế  gánh nặng của sức khỏe tâm thần.

Là người gắn bó với Việt Nam 20 năm qua trong công cuộc cải thiện sức khoẻ tâm thần tại Việt Nam, Giáo sư Harry Minas (ĐH Melbourne, Australia), chuyên gia sức khỏe tâm thần quốc tế, chia sẻ về những thách thức đang gặp phải của Việt Nam hiện nay: “Việt Nam đang quan tâm hơn tới vấn đề sức khỏe tâm thần, tuy nhiên cần tăng thêm những cam kết đầu tư để cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt cải thiện hệ thống thông tin về sức khoẻ tâm thần nhằm đảm bảo chất lượng lập kế hoạch, giám sát và đánh giá các dịch vụ sức khoẻ tâm thần ở Việt Nam. Điều đó bao gồm sự cần thiết phải xây dựng bộ luật về sức khoẻ tâm thần, một chính sách quốc gia về sức khoẻ tâm thần, cũng như việc thiết lập một đơn vị sức khoẻ tâm thần đủ mạnh trong Bộ Y tế”.

Xuất phát từ thực tiễn và các quan điểm nêu trên, Bộ Y tế có kế hoạch xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kế hoạch tập trung vào 4 mục tiêu chính là tăng cường lãnh đạo và điều hành hiệu quả cho sức khỏe tâm thần; Cung cấp các dịch vụ chăm sóc về y tế và xã hội dựa vào cộng đồng toàn diện, lồng ghép và đáp ứng nhu cầu; Triển khai các chiến lược nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần và dự phòng rối loạn tâm thần; và củng cố hệ thống thông tin, bằng chứng và nghiên cứu cho sức khỏe tâm thần. Việc triển khai Kế hoạch Hành động sẽ cho phép người có rối loạn tâm thần tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ sức khỏe tâm thần và chăm sóc xã hội; Người mắc các rối loạn tâm thần được điều trị bởi các nhân viên y tế có kỹ năng phù hợp trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe đa khoa, chương trình hành động giảm khoảng trống về sức khoẻ tâm thần mhGAP của WHO và các công cụ dựa trên bằng chứng tạo thuận lợi cho quá trình này; tham gia tổ chức lại, cung cấp và đánh giá dịch vụ nhằm đảm bảo dịch vụ chăm sóc và điều trị đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ; tiếp cận nhiều hơn tới các chính sách về khuyết tật, chương trình nhà ở và sinh kế của chính phủ, và tham gia tốt hơn trong công việc, đời sống cộng đồng và các vấn đề dân sự./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sức khỏe tâm thần cần được quan tâm hơn nữa
Sức khỏe tâm thần cần được quan tâm hơn nữa

VOV.VN - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã khẳng định, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần luôn được ngành y tế đặc biệt quan tâm.

Sức khỏe tâm thần cần được quan tâm hơn nữa

Sức khỏe tâm thần cần được quan tâm hơn nữa

VOV.VN - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã khẳng định, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần luôn được ngành y tế đặc biệt quan tâm.

7 thực phẩm giảm triệu chứng tâm thần
7 thực phẩm giảm triệu chứng tâm thần

Nên uống trà hoa cúc, bổ sung thêm omega 3, ăn cà rốt... nếu bạn có những dấu hiệu dễ quên, trầm cảm - triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt. 

7 thực phẩm giảm triệu chứng tâm thần

7 thực phẩm giảm triệu chứng tâm thần

Nên uống trà hoa cúc, bổ sung thêm omega 3, ăn cà rốt... nếu bạn có những dấu hiệu dễ quên, trầm cảm - triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt.