Chọn lựa, bảo quản thực phẩm như thế nào để tránh bị ngộ độc?
VOV.VN -Người dân cần chọn lựa các loại thực phẩm, rau xanh tươi sáng, không có mùi ôi, không bị héo úa...
Trong những ngày qua, thời tiết nắng nóng cùng với việc khan hiếm nước sinh hoạt xảy ra trên một số địa phương thuộc khu vực ĐBSCL, trong khi nhu cầu sử dụng thức ăn, rau quả tươi lại tăng cao trong mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động vui chơi, lễ hội diễn ra trong thời gian sắp tới là những yếu tố góp phần gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Vấn đề đảm bảo an toàn và phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng là điều mà mọi người cần đặc biệt quan tâm. Phóng viên VOV thường trú khu vực ĐBSCL phỏng vấn Thượng tá, bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Vinh – Trưởng khoa Nội tiêu hóa, bệnh viện Quân Y 121, Cục Hậu Cần, Quân khu 9.
Người dân cần chọn lựa các loại thực phẩm, rau xanh tươi sáng, không có mùi ôi, không bị héo úa (ảnh minh họa) |
PV: Thưa ông, được biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm là tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và bị nhiễm hóa chất... Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng biết cách lựa chọn được thực phẩm sạch. Nhân đây, xin bác sĩ tư vấn giúp các bà nội trợ chọn được những thực phẩm an toàn cho sức khoẻ?
Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh: Thực phẩm an toàn là loại thực phẩm cung cấp đầy đủ năng lượng các sinh tố và các chất khoáng cho cơ thể và không kèm theo các độc tố gây hại cấp tính và mạn tính, như là các yếu tố về sinh, lý, hóa cho cơ thể.
Khi chọn thịt gia cầm chúng ta phải xem thực phẩm đó phải được kiểm dịch qua thú ý. Màu sắc của thịt phải tươi, sáng và có độ bóng nhất định và khi chúng ta cầm vào miếng thịt thì nó cứng chắc, có độ đàn hồi. Khi ta ấn ngón tay vào thì miếng thịt lõm, sau đó nó sẽ bình thường trở lại.
Đối với các loại cá, tôm, cua, cách lựa chọn tốt nhất là các bà nội trợ nên chọn các loại đang còn sống, tươi sống. Chọn cá thì mắt phải trong suốt, đỏ tươi, bụng cá phải tròn đầy; không bị thũng, không có mùi hôi, mùi lạ. Còn đối với các loại rau, củ quả, tươi không bị dập nát, không bị biến đổi màu sắc và không bị héo úa và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nơi sản xuất và có dấu chất lượng, quy trình sản xuất rau an toàn là tốt nhất.
PV: Theo ý kiến của một số người tiêu dùng, trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, mọi người cần mua thực phẩm vào buổi sáng sớm để chọn những thực phẩm tươi tự nhiên và phòng tránh được ngộ độc. Bởi vì, đối với các loại thực phẩm như: tôm, cá, thịt bày bán ở các chợ thường bị phơi nắng suốt cả ngày rất dễ bị hư và không còn tươi ngon. Ý kiến của bác sĩ về việc này như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh: Các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hoặc là hải sản nếu để trong vòng thời gian và điều kiện nhiệt độ thường như các chợ trời thì rất dễ bị ôi thiu, biến chất và đặc biệt là có thể gây độc cho cơ thể. Do vi khuẩn, nấm mốc khác nhau gây nên.
Để đảm bảo chọn được thực phẩm trong điều kiện nắng nóng như thế, đòi hỏi người bán thực phẩm phải có cách bảo quản thực phẩm cho tốt. Bằng cách là để trong nơi thoáng mát, khô ráo đối với các loại thịt, cá. Chúng ta biết rằng, đối với loại thịt, sau khi mổ ra đem đến tay người tiêu dùng ở nhiệt độ thường bảo quản tối đa là từ 6 đến 8 tiếng là bắt đầu có dấu hiệu ôi thiu và không được sử dụng. Điều này là có trong văn bản quy định của Bộ Y tế. Đối với rau, củ quả, phải để nơi thoáng mát để tránh héo, úa, bầm dập làm biến đổi chất lượng của thực phẩm.
PV: Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, thực phẩm lại càng dễ bị hư hỏng hơn. Xin bác sĩ chia sẻ thêm với mọi người về cách bảo quản như thế nào là cho đúng, để đảm bảo được độ tươi ngon và an toàn của thực phẩm, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh: Sau khi các bà nội trợ mua thực phẩm về nhà thường không chế biến ngay, chúng ta có thể cất trữ lại để dùng lâu dài. Điều quan trọng là phải bảo quản thực phẩm làm sao cho đúng, khoa học mà không làm giảm chất lượng. Ngay với các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, gia cầm thì chúng ta bảo quản chủ yếu trong tủ lạnh. Trước khi đem thực phẩm về rửa sạch rồi chúng ta chia thành các phần nhỏ vừa với khẩu phần ăn trong ngày rồi để vào ngăn đá riêng từng loại, từng hộp, từng bọc như thế và mỗi lần chúng ta chế biến lấy ra một lượng đủ ăn.
Còn đối với các loại cá cũng vậy, chúng ta cũng làm sạch để vào tủ đá từng loại bọc nhỏ, hộp nhỏ vừa bữa ăn. Còn đối với các loại rau, củ quả, chúng ta phải rửa sạch, loại bỏ các phần mà hư hỏng và để cho khô ráo. Sau đó, cho vào túi mới để vào ngăn mát. Chúng ta không để nhiều các loại thực phẩm chung lẫn với nhau có thể nó lây các nấm mốc, mầm bệnh khác cho nên chúng ta cần cất từng loại thực phẩm riêng từng túi nhỏ trong ngăn mát và chúng ta lấy ra sử dụng ngay.
Các loại thực phẩm để ở ngăn đông lạnh thì chúng ta cũng có thể ướp trước đó đối với thực phẩm có nguồn gốc từ động vật; ướp muối hoặc ướp các loại gia vị sau đó chúng ta cấp đông lại thì chính muối đó cũng làm cho mình bảo quản tốt hơn.
PV: Vâng, xin cảm ơn bác sĩ!/.