Cơ hội để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn từ ứng dụng “Bác sĩ cho mọi nhà”
VOV.VN - Quảng Ngãi là 1 trong 5 tỉnh được Bộ Y tế, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc chọn triển khai chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”. Đây là điều kiện, cơ hội để người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao tại tuyến cơ sở và góp phần thực hiện chuyển đổi số ngành y tế.
Tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai tư vấn, khám chữa bệnh từ xa sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” từ đầu năm nay. Ứng dụng này không chỉ giúp gắn kết bệnh nhân với bác sỹ mà còn kết nối các Trạm Y tế xã với các bệnh viện tuyến trên, từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở.
Anh Phạm Ngọc Quân, thôn Đông Yên 1, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị tai biến, phải thường xuyên theo dõi sức khỏe nhưng việc đi lại rất khó khăn. Từ khi được cài đặt ứng dụng “Bác sĩ cho mọi nhà”, anh có thể đặt lịch khám, kết nối với các bác sỹ trạm y tế xã thông qua tin nhắn, cuộc gọi có hình để được thăm khám sức khỏe khi bệnh, không cần trực tiếp đến trạm y tế xã.
“Thuận lợi cho người dân nhiều lắm, nhờ bác sĩ tuyến trên tư vấn tôi bớt âu lo. Vì bệnh nên nhiều khi cũng lo. Nhờ bác sĩ tư vấn từ xa thế này thấy cũng hay cho bà con”- anh Quân nhận xét.
Tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn đã có gần 6.000 trong tổng số hơn 8.000 người dân toàn xã được tạo tài khoản đăng ký khám chữa bệnh từ xa, đạt trên 70%.
Bác sĩ Trần Ngọc Thông, Trạm trưởng trạm y tế Bình Dương, huyện Bình Sơn cho biết: “Sau khi được cài đặt app, người dân có lịch hẹn, đưa về máy chủ của trạm, trạm kết nối hẹn bệnh nhân. Khi có lịch hẹn cho bệnh nhân lên trạm, chúng tôi kết nối với tuyến trên xem xét lại bệnh nhân như thế nào để có hướng xử lý chính xác và tốt nhất cho bệnh nhân”.
Theo bác sĩ Võ Hùng Viễn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Sơn, việc khám chữa bệnh từ xa đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn. Nếu nhận được sự hỗ trợ của bác sĩ có chuyên môn cao hơn, sâu hơn từ tuyến trên sẽ có lợi rất lớn cho bệnh nhân. Thông qua việc xử lý ban đầu, cán bộ y tế ở cơ sở cũng dần vững vàng hơn. Chương trình bác sĩ cho mọi nhà kết nối giữa tuyến trên và tuyến cơ sở được dễ dàng, tạo thuận lợi cho người dân, đặc biệt là người dân ở xa trung tâm.
“Mô hình bác sĩ cho mọi gia đình đem lại hiệu quả thiết thực, kết nối được người dân với cơ sở y tế. Những trường hợp khó, tuyến huyện chúng tôi kết nối với tuyến trên để có sự hướng dẫn, hỗ trợ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Việc này tốt hơn rất nhiều”, bác sĩ Võ Hùng Viễn cho hay.
Quảng Ngãi là 1 trong 5 tỉnh được Bộ Y tế, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc chọn triển khai chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”. Đây là điều kiện, cơ hội để người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao tại tuyến cơ sở và góp phần thực hiện chuyển đổi số ngành y tế.
Trong 5 tháng qua, đã có hơn 92.000 người dân được tạo tài khoản và đã thực hiện gần 13.000 cuộc hẹn tư vấn khám chữa bệnh qua phần mềm. Ngoài người dân, cũng đã có 857 cán bộ y tế được tạo tài khoản, đã thực hiện hơn 3.600 cuộc gọi với mục đích tư vấn khám chữa bệnh từ xa, họp giao ban hoặc các trao đổi chuyên môn khác. Sở Y tế Quảng Ngãi cũng triển khai thí điểm phần mềm Hồ sơ sức khoẻ điện tử trên địa bàn tỉnh của nhiều nhà cung ứng dịch vụ. Đến nay đã có hơn 50% người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử.
Bác sĩ Lê Báy- Phó giám đốc Sở y tế Quảng Ngãi cho biết: “ Chúng tôi đã triển khai cho một số xã của các TTYT trong toàn tỉnh. Trước khi triển khai cũng có văn bản chỉ đạo và tổ chức tập huấn cho anh em tiếp thu sử dụng chương trình “bác sĩ cho mọi nhà”. Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục triển khai khám chữa bệnh từ xa theo kế hoạch Sở đã phối hợp với Sở TTTT và hy vọng chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc sẽ tài trợ thêm và giúp cho ngành có điều kiện triển khai thêm”.
Việc triển khai chương trình “Bác sĩ cho mọi nhà” cho y tế tuyến cơ sở là cơ hội để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Với sự hỗ trợ của công nghệ cao, người dân được chẩn đoán bệnh sớm hơn, hiệu quả hơn, có điều kiện tiếp cận với các bác sĩ tuyến trên có chuyên môn giỏi. Trong nhiều trường hợp, người dân có thể được điều trị ngay tại chỗ, không phải đưa lên tuyến trên, không mất nhiều tiên bạc cũng như đi lại./.