Điều trị rung nhĩ như thế nào để ngăn biến chứng đột quỵ?
VOV.VN - Bệnh rung nhĩ gia tăng theo tuổi, và các nhà khoa học đã tính toán rằng, sau 50 tuổi, cứ mỗi 10 năm thì tỷ lệ dân số bị rung nhĩ tăng gấp đôi, có thể lên tới 10% ở lứa tuổi trên 80. Rung nhĩ là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ.
Bệnh rung nhĩ gây ra tình trạng các cơ ở tâm nhĩ co bóp nhanh và không đều, khiến cho toàn bộ tâm nhĩ không co bóp một cách nhịp nhàng, hiệu quả, hay còn gọi là mất nhịp nhĩ.
Rung nhĩ gây ra các hậu quả: thứ nhất, dòng máu qua tâm nhĩ không thông suốt, máu bị luẩn quẩn, gây ra các cục máu đông; thứ hai, các kích thích liên tục từ cơ tâm nhĩ khiến nhịp tâm thất, tức là nhịp tim tăng cao; thứ ba, các cơ tâm nhĩ bị thay đổi dẫn đến những rối loạn nhịp tim khác nặng nề hơn.
Các nguyên nhân hay gặp dẫn đến rung nhĩ là: tăng huyết áp, bệnh cơ tim, đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy tim, nhất là do bệnh van tim, cường giáp... Tuy nhiên có tới 20-30% rung nhĩ vô căn.
Ngoài ra, các yếu tố như béo phì, hay sử dụng rượu bia cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ bị rung nhĩ.
Rung nhĩ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất, gây ra đột quỵ, chiếm khoảng 20-30% trong số hơn 200 ngàn ca đột quỵ mỗi năm tại nước ta.
Điều trị rung nhĩ như thế nào để dự phòng đột quỵ do rung nhĩ? Nghe bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng ở Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga hướng dẫn tại đây: