Đừng để mất thời gian vàng trong điều trị đột quỵ
VOV.VN -BS Nguyễn Hoàng Ngọc: bệnh nhân đến cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” có thể hồi phục nhanh chóng và không để lại di chứng về sau.
Đột quỵ là bệnh gây tử vong và tàn tật phổ biến trên thế giới. Mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ, trong đó có 1/3 số người chết do căn bệnh này. Nếu được phát hiện và đưa đến bệnh viện sớm thì tỷ lệ tử vong và hồi phục của bệnh nhân sẽ giảm nhiều.
Phóng viên VOV.VN đã phỏng vấn PGS TS BS Nguyễn Hoàng Ngọc, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
PV: Thưa bác sĩ, đột quỵ thường để lại di chứng cho người bệnh. Vậy, bác sĩ có thể tư vấn cho cộng đồng biết cách xử trí để giảm thiểu di chứng cho người bệnh?
PGS TS Nguyễn Hoàng Ngọc: Cấp cứu và điều trị đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình xử trí ban đầu với 2 giai đoạn: trước bệnh viện và trong bệnh viện. Ở giai đoạn trước bệnh viện, phụ thuộc rất nhiều vào cách xử trí của người nhà bệnh nhân và những người xung quanh.
PGS TS BS Nguyễn Hoàng Ngọc, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. |
Chính những điều đó lại gây bất lợi cho bệnh nhân vì nó làm mất đi “thời gian vàng” để cấp cứu bệnh nhân. Đặc biệt, đối với dạng đột quỵ như thiếu máu não thì “thời gian vàng” để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân chỉ kéo dài từ 3 đến 6 giờ đầu kể từ khi bị bệnh.
Sau “thời gian vàng” này sẽ không tận dụng được các phương pháp điều trị đặc hiệu. Vì vậy, chúng ta cần phải giáo dục cho cộng đồng cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ ban đầu để kịp thời cứu chữa cho người bệnh.
Theo hướng dẫn của Tổ chức đột quỵ Thế giới, thời gian tính từ khi bệnh nhân đặt chân đến cổng buồng điều trị cấp cứu cho đến khi được tiêm mũi kim vào để điều trị đặc hiệu phải dưới 60 phút. Khoảng thời gian này, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, làm các xét nghiệm chẩn đoán loại trừ, chụp để chẩn đoán xác định và các chuyên gia hội chẩn.
Ở bệnh viện 108, đã có những trường hợp chúng tôi xử trí chỉ trong khoảng 20 phút, rất nhanh. Ngoài ra, chúng tôi còn kết nối với các bệnh viện vệ tinh khác như: Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Đức Giang, BV 105 Sơn Tây… để bệnh nhân được cấp cứu điều trị một cách nhanh nhất.
Trong trường hợp cần phải có những kỹ thuật chuyên sâu như lấy huyết khối đường động mạch họ sẽ gọi ngay cho bệnh viện 108. Chúng tôi có đội ngũ bác sĩ thường trực online 24h/24h trên Viber và Zalo để theo dõi bệnh nhân di chuyển từ lúc bắt đầu xuất phát để đến ngay chỗ cấp cứu. Chúng tôi sử dụng luôn các chẩn đoán hình ảnh từ tuyến trước nếu như chẩn đoán hình ảnh đó đủ tin cậy. Cho nên, có những trường hợp bệnh nhân khi chuyển đến bệnh viện 108 sẽ được chuyển thẳng vào buồng can thiệp mà không cần phải làm các xét nghiệm khác.
PV: Thưa bác sĩ, trong những bệnh nhân đến điều tại bệnh viện 108 thì người già hay trẻ chiếm tỷ lệ nhiều?
PGS TS Nguyễn Hoàng Ngọc: Trước đây, người ta nói đột quỵ là bệnh của người già nhưng bây giờ phần lớn là từ 40 tuổi trở đi. Đặc biệt, tỉ lệ bệnh nhân trẻ bị tắc mạch máu não chiếm nhiều vì nó còn liên quan đến bệnh lý của tim nữa. Hầu hết lứa tuổi chúng tôi gặp từ 40 tuổi đến 85 tuổi, chúng tôi cũng đã xử trí một ca 91 tuổi. Đột quỵ ở tuổi này trên thế giới chưa từng xử trí- Việt Nam là nước đầu tiên xử trí được bệnh nhân cao tuổi này.
Bệnh nhân bị tắc mạch máu não do tim, vào đến chỗ cấp cứu thì hôn mê và yếu nửa người bên trái. Chúng tôi hội chẩn và lấy huyết khối ngay. Sau 12 ngày bệnh nhân ra viện và đi lại được. Trường hợp cao tuổi này chúng tôi xử trí thành công cũng là nhờ gia đình đưa vảo bệnh viện sớm.
PV: Đột quỵ - giai đoạn cấp cứu trước bệnh viện rất quan trọng, nhưng hiện nay vấn đề này có những bất cập gì, thưa bác sĩ?
PGS TS Nguyễn Hoàng Ngọc: Cấp cứu trước bệnh viện, ngoài hiểu biết của người dân về đột quỵ cũng cần phải có một hệ thống vận chuyển bệnh nhân đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo nhanh chóng và đầy đủ trang bị cần thiết.
Ở Pháp, hệ thống cấp cứu hiện đại đến mức có những trường hợp người ta còn xử lý ngay trên đường đi cấp cứu. Thế nhưng ở Việt Nam, vấn đề vận chuyển bệnh nhân hầu hết là do gia đình tự vận chuyển, một số ít thì gọi xe cấp cứu. Chỉ riêng việc vận chuyển đã là một trở ngại rất lớn vì vấn đề giao thông. Nhiều khi nguyên nhân tắc đường đã làm cho “thời gian vàng” dành cho bệnh nhân đã không còn. Ngoài ra, vấn đề chuyển bệnh nhân đến bệnh viện có đúng tuyến hay không cũng là một trở ngại. Những gia đình có kinh nghiệm thì họ chuyển thẳng bệnh nhân đến đây, không cần biết đúng tuyến hay không.
Những gia đình khác vì muốn đi đúng tuyến có thể cơ sở vật chất của tuyến đó không đảm bảo, lại phải tiếp tục chuyển lên tuyến trên, làm mất thời gian quý giá đối với người bệnh. Chính vì thế, các bệnh viện tuyến dưới cần phải được phát triển để đủ khả năng cấp cứu ban đầu thì mới giải quyết tốt những khâu sau này.
PV: Thưa bác sĩ, trong dân gian, có những biện pháp xử trí như trích máu ở đầu ngón tay, bấm huyệt… liệu có giải quyết được không?
PGS TS Nguyễn Hoàng Ngọc: Rất nhiều người đã hỏi câu này trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ ở bệnh viện 108. Đến nay, tất cả những biện pháp đó chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh tính hiệu quả của nó cả. Ngoài ra, khi sử dụng biện pháp như thế đã làm trì hoãn, mất thời gian quý giá cho người bệnh.
Đối với một số loại thuốc mà người dân vẫn thường truyền tai nhau như “An cung ngưu hoàng hoàn” cũng không nên cho người bệnh uống bởi vì có hai thể đột quỵ là chảy máu não và nhồi máu não, nếu không phân biệt được thì đôi khi bệnh nhân còn bị tương tác thuốc. Ngoài ra, trong lúc bệnh nhân đang lơ mơ mà cho uống thuốc thì rất dễ sặc lên phổi. Vì thế, nhiều bệnh nhân chuyển đến đây chúng tôi còn phải cấp cứu hút ra toàn những loại thuốc đó trong đường phế quản.
Người ta còn khuyến cáo là không nên tự động hạ huyết áp một cách quá mức, cần phải có chỉ định vì hạ huyết áp quá mức cũng không tốt cho đột quỵ.
Nói chung, chỉ nên có những xử trí ban đầu là đỡ cho bệnh nhân khỏi ngã, nếu bệnh nhân ho hoặc nôn tránh cho bệnh nhân không bị hít sặc vào phổi. Sau đó, đặt bệnh nhân nằm ở tư thế thoải mái. Đồng thời, nhanh chóng gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Nếu gia đình tự đưa đến bệnh viện phải vận chuyển ở tư thế thoải mái và an toàn, nhanh chóng đưa đến cơ sở nào có khả năng điều trị tốt nhất và gần nhất.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!./.
Khi có các dấu hiệu này, rất có thể đột quỵ đang đe dọa bạn
Cứu một thuyền viên Trung Quốc bị đột quỵ trên biển
Để tránh khỏi nguy cơ đau tim và đột quỵ hãy ăn những thứ này