Giúp trẻ mau bình phục sau viêm phổi
Theo BS Trần Thu Thủy: Vỗ lồng ngực cần thực hiện vỗ khi dạ dày rỗng, tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn.
Theo BS Trần Thu Thủy (Bệnh viện Nhi Trung ương), khi trẻ mắc bệnh viêm phổi, phụ huynh nên dùng liệu pháp vỗ lồng ngực kết hợp với dẫn lưu tư thế giúp các chất xuất tiết ứ đọng trong phổi thoát ra ngoài, phổi thông thoáng và trẻ mau bình phục hơn.
Có thể vỗ lồng ngực nhiều lần trong ngày. Khi vỗ lồng ngực cần thực hiện lần lượt theo các bước: Phủ một tấm vải mỏng lên người bé (nếu bé cởi trần), tránh vỗ trực tiếp vào da. Gập bàn tay của bạn ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại.
Khi vỗ lồng ngực, bạn chỉ cần di chuyển cổ tay chứ không di chuyển cánh tay và vai. Vỗ bên trái rồi sang bên phải. Chú ý không vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống. Tiếp tục vỗ dứt khoát và đều đặn, nhưng không quá mạnh, khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực.
Ho làm thông thoáng đường thở, đẩy chất xuất tiết ra khỏi phổi. Với trẻ lớn, yêu cầu các cháu ho sau khi được vỗ ở từng khu vực. Khi trẻ chưa ngừng ho thì chưa được vỗ tiếp.
Thực hiện các bước sau: Cho trẻ ngồi dậy, đầu ngả nhẹ về phía trước; hít vào; mở miệng và thót cơ bụng để ho thật sâu, không ho ở cổ họng; hít vào lần nữa. Tiếp tục ho cho tới khi khạc được đờm ra ngoài. Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ có thể dùng máy hút đờm dãi ra khỏi hầu họng.
Để giúp đờm dãi thoát ra ngoài dễ dàng, người ta đặt trẻ ở những tư thế có thể tận dụng lực hút trái đất, tạo điều kiện cho chất xuất tiết dịch chuyển từ các nhánh phế quản nhỏ ra khí quản. Sau đó chất tiết được hút từ hầu họng hoặc được trẻ ho bật ra./.