Hưởng ứng ngày Tim mạch: Không chỉ là phong trào

Ngày này là dịp để mỗi nước tự nhìn lại, đánh giá những cái chưa làm được và phấn đấu vì một mục tiêu cụ thể.

Ngày Tim mạch Thế giới (World Heart Day), do Hiệp Hội Tim mạch Thế giới (World Heart Federation), một tổ chức phi Chính phủ đặt trụ sở ở Genève, tổ chức từ 10 năm nay, chọn ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng 9 dương lịch hàng năm; năm 2009, ngày đó là 24/9/2009.

Theo thông lệ, mỗi năm tiêu đề của Ngày Tim mạch Thế giới lại thay đổi theo các hoạt động trọng tâm cần khuyến khích. Năm 2010, chủ đề là: “Sáng kiến Sức khoẻ tại nơi công tác” (Workplace Wellness Initiative).

Nội dung của chủ đề này là ngay tại nơi làm việc hàng ngày của mình, phải có những hoạt động liên tục làm thay đổi có lợi những thói quen của từng cá nhân, từng nhân viên, từng người phụ trách các khâu công tác và hoạt động này phải có sự tham gia của cộng đồng, của những người chuyên nghiệp trong chăm sóc sức khỏe, của lãnh đạo cơ sở, của các Chính phủ. Mục tiêu là làm giảm gánh nặng của các bệnh Tim và Tai biến mạch não.

Theo đó, những hoạt hoạt động cụ thể gồm: Vệ sinh môi trường- một vấn đề lớn đối với chúng ta trong thời kỳ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, mà vai trò của những nhà lãnh đạo quốc gia là không thể thiếu. Và chăm sóc sức khỏe cá nhân: Trước hết, mỗi cá nhân phải biết những yếu tố nguy cơ nào mình phải đối mặt và có biện pháp đối phó để làm giảm tác hại.

Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

Tăng Huyết áp: Kiểm tra HA thường kỳ, nhất là khi đã ở lứa tuổi trung niên (ngoài 40 tuổi)

Rối loạn lipid máu: Xét nghiệm máu thường kỳ mỗi năm ít nhất một lần.

Bệnh tăng đường máu (đái tháo đường): xét nghiệm máu thường kỳ khi khám sức khỏe.

Hút thuốc lá: tác hại của hút thuốc lên tim mạch (xơ vữa động mạch, co mạch, gây bệnh tim thiếu máu cục bộ, hẹp tắc động mạch các chi, động mạch não...) đã được chứng minh, ngoài khả năng gây ung thư phổi, bệnh phế quản phổi tắc nghẽn. Tác hại càng lớn khi đương sự càng trẻ, và nếu là nữ giới. Người hút thuốc bị ảnh hưởng xấu ta đã rõ, nhưng người không hút thuốc ở gần cũng bị ảnh hưởng (hút thuốc thụ động).

Tăng cân/béo phì: Điều kiện thuận lợi cho đái tháo đường phát triển, và tai nạn ngã gẫy xương. Thoái hóa khớp cũng khá phổ biến.

Thói quen ăn uống không hợp lý: Ăn nhiều đạm động vật, uống nhiều rượu, ăn nhiều mỡ gồm acid béo no, transfat (các bao bì thực phẩm phải có ghi trên nhãn các thành phần dinh dưỡng và transfat đã được kiểm nghiệm)

Ít vận động thể lực (nên đi bộ nhanh ít nhất 30-40 phút/ngày)

Dùng một số thuốc hoặc thực phẩm chức năng không được tham vấn cẩn thận.

Nhiều stress tiêu cực (stress làm mình chán nản, buông trôi mọi việc, không tìm giải pháp khắc phục)

Nếu ý thức được về các yếu tố nguy cơ này, và có phòng chống, chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn.

Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được

 Gia đình: Có những bệnh có tính chất gia đình (Tăng HA khi còn trẻ tuổi, bệnh tim thiếu máu cục bộ do vữa xơ Động mạch biểu hiện sớm).

Giới tính: Nam giới mắc bệnh Động mach vành sớm hơn nữ, và có tỷ lệ bệnh tăng HA cao hơn ở nữ.

Tuổi cao: Một đặc điểm là đa bệnh, chữa lâu khỏi, dễ bị nhiều biến chứng trong điều trị.

Dù sao, nhận biết được các yếu tố nguy cơ đó cũng nâng cao ý thức cảnh giác của mỗi cá nhân, hạn chế được tỷ lệ bệnh suất cao, và tử vong.

Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã có những tiến bộ lớn trong đời sống người dân trong phạm vi tương đối rộng khắp, điều này đã được phản ánh một phần trong các thống kê bệnh tật tại cộng đồng và bệnh viện: Nếu trước đây, bệnh nhiễm khuẩn, tai biến sản khoa, chiếm tỷ lệ cao, thì ngày nay, các bệnh không lây nhiễm, trong đó các bệnh tim mạch, đã dần dần chiếm vị trí cao, trong số 6 nguyên nhân chính của tử vong toàn quốc.

Năm 1960, có 1% người trưởng thành ở miền bắc Việt Nam bị tăng huyết áp, năm 1976, tỷ lệ đó là 1,9%, năm 2002 là 16,5% và tỷ lệ tăng huyết áp toàn quốc năm 2008 là 24,5%.

Nếu trước kia đại đa số bệnh nhân vào các bệnh khoa tim mạch là do thấp tim và các bệnh van tim do thấp (trên 60% tại khoa Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai), thì ngày nay tỷ lệ đó còn 30%, nhưng bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch não, bệnh tim thiếu máu cục bộ... gia tăng mạnh, làm thay đổi chiến lược phòng chống các bệnh tim mạch. Bộ Y tế gần đây đã có chương trình kiểm soát bệnh tăng huyết áp.

Những cố gắng của ngành Tim mạch Việt Nam để hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế, đã cho phép chúng ta cập nhật được khá nhiều những vấn đề cơ bản về lý thuyết và thực hành trong chuyên ngành.

Trước đây, khi nói tới những ngày như Ngày Tim mạch Thế giới, chúng ta cũng hưởng ứng có phần vì phong trào, nhưng ngày nay, đó là dịp chúng ta tự nhìn lại mình, đánh giá những cái đã làm được, những cái chưa làm được và phải làm, cần thực hiện những gì để đạt được các mục tiêu cụ thể./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên