Kịp thời cấp cứu người bệnh ăn sâu ban miêu cực độc ở Sơn La
VOV.VN - Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La vừa cấp cứu thành công 1 trường hợp ngộ độc sâu ban miêu bằng kỹ thuật siêu lọc máu liên tục (CRRT).
Ngày 1/9 vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La tiếp nhận bệnh nhân H.V.T, 38 tuổi, trú tại xã Chiềng Dong, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vào viện trong tình trạng sốc, co giật toàn thân, suy hô hấp, loét miệng, nôn máu.
Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân đã ăn khoảng 15- 20 con sâu ban miêu đã phơi, sau ăn thấy đau rát họng, đau bụng, buồn nôn và nôn ra máu… nên người nhà đã lập tức đưa bệnh nhân vào viện cấp cứu.
Qua thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ chuẩn đoán bệnh nhân ngộ độc sâu ban miêu giờ thứ 5, suy gan, suy thận cấp.
Ngay sau đó, các y, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La đã tiến hành cấp cứu, lọc máu liên tục (CRRT), duy trì vận mạch, điều trị suy gan thận. Sau 2 ngày lọc máu liên tục và điều trị tích cực, bệnh nhân đã tạm ổn định về sức khỏe, có thể ra viện trong vài ngày tới đây.
Theo BS. Mè Thị Xuân, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La, sâu Ban miêu là loài sâu cực độc (độc gấp nhiều lần thuốc diệt cỏ cháy nhanh Paraquat), ăn 1- 2 con tươi có thể dẫn đến tử vong; hầu hết bệnh nhân tiếp xúc với loài sâu này qua đường tiêu hóa đều dẫn đến tổn thương suy đa tạng, tụt huyết áp, suy hô hấp, tỷ lệ tử vong trên 50%.
Cũng theo theo BS Xuân, siêu lọc máu liên tục (CRRT) là kỹ thuật mới, hiện đại, được triển khai thường quy, chuyên dùng để điều trị các bệnh nhân bị ngộ độc thể nặng, có nguy cơ tử vong cao tại Khoa Hồi sức tích cực- chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La. Kỹ thuật này đóng vai trò như quả thận sinh lý, lọc máu liên tục để loại bỏ các chất độc trong máu, tăng tỷ lệ cứu sống người bệnh./.