Làm gì để bảo vệ họng khi bị trào ngược dạ dày- thực quản?
VOV.VN - Nhiều người âm thầm chịu đựng chứng trào ngược dạ dày- thực quản, mà không biết hiện tượng này sẽ làm tổn thương thực quản và họng
Nhiều người bệnh đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng với biểu hiện đau họng tái đi tái lại nhiều lần hoặc thường xuyên sử dụng kháng sinh để chữa đau họng. Có người bệnh thậm chí đã được chỉ định hoặc xin cắt amidan vì nghĩ rằng đau họng như vậy là do viêm amidan, tuy nhiên sau khi cắt amidan thì biểu hiện đau họng vẫn tồn tại hoặc thậm chí còn xuất hiện đau lan lên mũi.
Tại sao vậy?
Vì trong những trường hợp này, triệu chứng đau họng của bạn xuất phát từ kích thích của dịch acid từ dạ dày đi qua thực quản lên vùng thanh quản, hạ họng, họng và thậm chí lên cả mũi xoang. Bạn để ý một chút sẽ có thể cảm nhận thấy những luồng hơi nóng rát đi lên cổ từ vùng bụng hoặc thỉnh thoảng tự nhiên thấy khé cổ và rát cổ, nhất là khi nằm.
Trào ngược axit là gì?
Trong quá trình tiêu hóa bình thường, thức ăn đi xuống thực quản (ống ở phía sau cổ họng của bạn) qua một cơ hoặc van được gọi là cơ vòng thực quản dưới (LES) và vào dạ dày. Van này bình thường chỉ cho thức ăn và đồ uống đi theo chiều xuống dạ dày. Do một nguyên nhân nào đó (như tinh thần, bệnh lý giãn cơ, thức ăn không phù hợp…), van này đóng không chặt và xuất hiện thêm luồng ngược lại về phía họng. Điều này khiến axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản và vùng mũi họng.
Hiện tượng trào ngược dạ dày và thực quản sẽ làm tổn thương thực quản và họng như thế nào?
Theo thời gian, axit dạ dày tiếp xúc nhiều lần với niêm mạc thực quản và vùng họng có thể gây ra tình trạng viêm thực quản, viêm nhiễm vùng tai mũi họng: viêm loét và mô sẹo, thậm chí ở trẻ nhỏ có thể viêm tai giữa tái phát do trào ngược.
Về lâu dài có thể dẫn đến:
- Co thắt thực quản và gây khó nuốt.
- Barrett thực quản: Đây là tình trạng các tế bào niêm mạc thực quản bị tổn thương do axit dạ dày và biến đổi để trở nên giống với các tế bào niêm mạc ruột non, là một tình trạng hiếm gặp và bạn có thể không cảm thấy có triệu chứng nào, nhưng nó có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thực quản!.
Cả ba biến chứng này đều có thể tránh được bằng cách điều trị thích hợp hiện tượng trào ngược.
- Với vùng Tai Mũi Họng: tổn thương cơ quan ngoài thực quản: Tình trạng này thường được gọi là trào ngược thanh quản.
Trào ngược thanh quản đôi khi còn được gọi là "trào ngược thầm lặng", bởi vì nó không phải lúc nào cũng có các triệu chứng mà mọi người dễ dàng nhận ra. Điều quan trọng đối với những bệnh nhân này là phải được kiểm tra trào ngược thanh quản để tránh bất kỳ tổn thương tiềm ẩn nào đối với vùng họng hoặc đặc biệt là giọng nói, nhất là những người phải sử dụng giọng như ca sĩ, phát thanh viên, giáo viên.... Cần lưu ý khi bạn thấy những biểu hiện sau:
+ Khàn tiếng
+ Hắng giọng thường xuyên
+ Cảm giác có “khối u” trong cổ họng
+ Ho mạn tính hoặc cơn ho đánh thức bạn khỏi giấc ngủ
+ Khó thở
+ Cảm giác họng lúc nào cũng "thô"
Vậy ngăn chặn như thế nào?
Nếu bạn bị trào ngược thực quản, dạ dày hoặc trào ngược thanh quản, hay bị kết hợp cả hai bệnh này, cần phải kiểm soát các triệu chứng bằng cách:
+ Ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn và dành thời gian nhai kỹ.
+ Tránh ăn quá nhiều.
+ Tăng hoạt động thể chất nếu thừa cân, nhằm giảm cân và duy trì cân nặng.
+ Tăng chất xơ trong chế độ ăn uống.
+ Tăng trái cây và rau quả trong chế độ ăn uống.
+ Ít nhất một giờ sau bữa ăn mới đi nằm.
+ Gối đầu cao khoảng 15 độ
Cần tránh:
+ Ăn trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 giờ trước khi đi ngủ.
+ Ăn các loại thực phẩm nhiều chất béo và nhiều đường, rượu, caffein và sô cô la.
+ Hút thuốc lá.
Khi bạn đến thăm khám, bác sĩ sẽ điều trị cách triệu chứng đau họng bằng cách kê thuốc như kháng sinh, kháng viêm, thuốc chống trào ngược, thuốc giãn cơ trơn thực quản để giảm co bóp, thuốc an thần… tùy theo từng trường hợp cụ thể; và cho thuốc súc họng hoặc xịt họng để giảm lượng acid vùng họng./.