Làm gì khi bị đau đầu?
VOV.VN - Cần nhận biết được loại đau đầu nào nguy hiểm để đi khám sớm.
Ở các bệnh viện đa khoa, số bệnh nhân khám vì đau đầu chiếm khoảng 5% số lượng bệnh nhân đi khám. Như vậy, con số là không hề nhỏ!
Đau đầu là một cảm giác chủ quan của người bệnh, nhưng ảnh hưởng lớn tới hiệu suất công việc cũng như chất lượng cuộc sống.
Đau đầu do nhiều nguyên nhân gây ra. Có những nguyên nhân chẩn đoán được ngay nhưng cũng có những nguyên nhân rất khó tìm được hoặc không thể tìm ra.
Thái độ với biểu hiện đau đầu ở mỗi người một khác tuỳ theo sức chịu đựng cũng như nguyên nhân gây bệnh. Có người rất lo lắng đi khám ngay do đau đến nỗi không ăn, không ngủ được. Có người lại thấy rằng đau đầu là chuyện thường tình, cứ chịu đựng là sẽ tự hết; và đúng là có dạng đau đầu tự khỏi sau vài tiếng đồng hồ hoặc sau vài ngày. Tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh nặng và nguy kịch đến tính mạng.
Làm thế nào để biết được loại đau đầu nào nguy hiểm để đi khám sớm?
Thứ nhất, đau đầu xuất hiện đột ngột ở người đang hoàn toàn bình thường:
- Khởi phát đau đầu dữ dội, ở bệnh nhân trước đó khỏe mạnh… thì hầu như chắc chắn có liên quan đến tổn thương nội sọ như chảy máu dưới nhện, hoặc viêm màng não.
- Đau đầu làm rối loạn giác ngủ, đau đầu khi gắng sức, đau đầu kịch phát muộn: liên quan tới các tổn thương của não bộ.
Thứ hai, đau đầu có những dấu hiệu kèm theo như:
- Đau đầu kèm nôn vọt, không liên quan đến bữa ăn…; có thể là đã bị những tổn thương não: viêm màng não, áp xe não, u não…
- Đau đầu kèm triệu chứng thần kinh kèm theo như u ám, ảnh hưởng đến thị giác hoặc chi, co giật, hoặc thay đổi trạng thái tâm thần: có thể đột quỵ não, áp xe não…
- Đau đầu kèm theo các dấu hiệu khu trú khác như thất ngôn, dị cảm, đau nhói hoặc yếu chân, tay…
- Đau đầu kèm theo các bệnh của răng hoặc mắt, bệnh của khớp thái dương hàm dưới, viêm xoang, tăng huyết áp, và rất nhiều các rối loạn nội khoa chung khác.
Cũng cần chú ý vị trí đau đầu. Đau đầu ở một vị trí cố định kèm theo những viêm nhiễm mạn tính ở gần vị trí đau như viêm tai giữa mạn tính có chảy mủ tai thối. Hay về hoàn cảnh xuất hiện cơn đau: Đau đầu sau chấn thương đầu, tổn thương đốt sống cổ; đau đầu dữ dội ngay sau các can thiệp phẫu thuật ngoại khoa vùng đầu mặt cổ, đau đầu dữ dội sau sinh…
Với những biểu hiện đau đầu như ở trên, cần khám ngay để chẩn đoán xác định nguyên nhân và can thiệp kịp thời. Tùy theo biểu hiện lâm sàng ở từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có chỉ định cận lâm sàng cần thiết như CT scan hoặc MRI sọ, hệ thống mạch não, điện não đồ, chọc dịch não tủy…
Một số loại đau đầu khác
- Đau đầu do căng thẳng: thường khó tập trung vào công việc, đau âm ỉ như bị kẹp đầu và đau tăng khi stress, mệt mỏi, bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn hoặc ánh sáng. Những trường hợp này thường đau toàn đầu, có thể đau nhiều ở cổ hoặc vùng chẩm và không có dấu hiệu thần kinh khu trú.
- Đau đầu do trầm cảm: Đau đầu tăng về buổi sáng và có các triệu chứng trầm cảm đi kèm, thậm chí xuất hiện ảo giác.
- Đau đầu do rối loạn vận mạch: đau một bên theo nhịp đập của mạch thành cơn, xảy ra ở tuổi trưởng thành. Đôi khi kèm theo chán ăn, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, giảm thị lực. Thường cơn đau từ từ tăng dần và kéo dài vài giờ hoặc lâu hơn. Các dấu hiệu thần kinh khu trú xảy ra trước hoặc trong cơn đau đầu kiểu đau nửa đầu là do sự co mạch của các nhánh của động mạch cảnh trong. Rối loạn thị giác là hay gặp nhất và có thể có rối loạn thị trường ảo thị ánh sáng như thấy đom đóm, lóe sáng, đường zic zắc của ánh sáng; hoặc rối loạn thị trường kết hợp với ảo thị ánh sáng (ám điểm lấp lánh).
- Đau đầu từng vùng (đau thần kinh giống đau nửa đầu): thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Nguyên nhân của đau đầu từng vùng chưa rõ ràng nhưng có thể liên quan đến rối loạn mạch máu hoặc rối loạn hệ serotonin. Thường không có tiền sử gia đình bị đau đầu hoặc đau nửa đầu. Các cơn đau dữ dội ở vùng quanh hốc mắt một bên xảy ra hàng ngày, trong vài tuần và thường kết hợp với một hay nhiều dấu hiệu sau: sung huyết mũi cùng bên, chảy nước mũi, chảy nước mắt, sung huyết mắt và hội chứng Horner (là một hội chứng hiếm gặp xảy ra khi các dây thần kinh đi từ não đến mắt và mặt bị hư hỏng). Cơn thường xảy ra vào ban đêm làm bệnh nhân thức giấc và kéo dài dưới 2 giờ. Cơn đau mất đi một cách tự phát và sau đó vài tuần hoặc vài tháng sẽ có cơn tái phát khác. Trong cơn đau, nhiều bệnh nhân nhận thấy rượu làm đau tăng, một số khác thấy rằng sang chấn, ánh sáng, một số thức ăn đẩy nhanh sự xuất hiện cơn đau. Ở một số trường hợp, cơn đau và các dấu hiệu thần kinh tái phát liên tục không giảm; đây được coi là đau đầu từng vùng mạn tính.
- Đau đầu do viêm động mạch tế bào khổng lồ (động mạch thái dương hoặc động mạch khác của sọ): Bệnh thường gặp ở người già do tổn thương động mạch thái dương nông, động mạch đốt sống, động mạch mắt, động mạch thể mi sau. Triệu chứng chính là đau đầu, các triệu chứng đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, giảm cân và các triệu chứng không đặc hiệu khác thường xuất hiện trước hoặc cùng lúc với đau đầu. Mất thị lực là triệu chứng đáng sợ nhất và cũng thường xảy ra. Thăm khám lâm sàng thấy da vùng đầu và động mạch thái dương tăng cảm giác đau.
- Đau đầu sau chấn thương: Có nhiều triệu chứng không đặc hiệu xảy ra sau chấn thương vùng đầu bất kể có mất ý thức hay không. Đau đầu là triệu chứng nổi bật. Đau đầu thường xuất hiện sau một vài ngày, có thể nặng lên ở những tuần sau và sau đó đỡ dần. Đau đầu thường âm ỉ theo mạch đập khu trú ở một vùng, một bên hoặc lan tỏa. Đôi khi có nôn, buồn nôn hoặc ám điểm nhấp nháy. Bệnh nhân có thể bị chóng mặt và thường xảy ra khi thay đổi tư thế hoặc cử động đầu. Giảm trí nhớ, kém tập trung, cảm xúc không ổn định, dễ nổi nóng cũng là các triệu chứng thường gặp và đôi khi là triệu chứng nổi bật. Thời gian tồn tại của các triệu chứng một phần phụ thuộc vào mức độ của chấn thương nhưng có khi với chấn thương không đáng kể, các triệu chứng cũng tồn tại hàng tháng.
- Đau đầu khi ho. Ho (cũng như gắng sức, hắt hơi, cười) có thể gây đau đầu dữ dội nhưng rất may là đau đầu này chỉ kéo dài trong một vài phút. Cơ chế sinh bệnh học chưa biết rõ và thường không có tổn thương cấu trúc. Tuy nhiên cũng có 10% các trường hợp tổn thương nội sọ thường là hố sau (dị dạng Arnold-Chiari, chèn ép vào động mạch nền), u não và các tổn thương choán chỗ nội sọ khác đôi khi cũng có biểu hiện này. Vì vậy bác sĩ có thể sẽ cho tiến hành chụp CT- Scan hoặc MRI ở tất cả các bệnh nhân bị tái đi tái lại biểu hiện này trong vài năm vì một tổn thương nhỏ lúc đầu có thể bị bỏ qua. Đau đầu này thường tự giảm đi mặc dù nó có thể tồn tại trong vài năm. Đôi khi các triệu chứng biến mất hoàn toàn sau khi chọc dịch não tủy mà không rõ cơ chế.
Một số thể loại đau nửa đầu:
+ Đau đầu kiểu đau nửa đầu liên quan đến giãn mạch quá mức và mạch đập của các nhánh của động mạch cảnh ngoài.
+ Đau đầu kiểu đau nửa đầu động mạch thân nền là dạng ít gặp với các triệu chứng rối loạn thị giác ở cả hai mắt, sau đó là nói khó, loạng choạng, ù tai, dị cảm quanh miệng và đôi khi là rối loạn ý thức thoáng qua hoặc tình trạng lú lẫn. Tiếp theo là đau đầu theo nhịp đập của mạch (thường ở vùng chẩm) thường có buồn nôn và nôn.
+ Đau nửa đầu thể mắt thường là đau một bên có buồn nôn và nôn, nhìn đôi do liệt vận nhãn ngoài thoáng qua. Đau nửa đầu thể mắt hiếm gặp, nguyên nhân của đaụ nửa đẩu thể mắt thường là dị dạng động mạch cảnh trong, đái tháo đường.
+ Bệnh mạch máu não có thể gây đau đầu nhưng cơ chế chưa rõ. Đau đầu có thể xảy ra trong tắc động mạch cảnh trong hoặc mổ động mạch cảnh hoặc sau mổ bóc tách nội mạc động mạch cảnh.
+ Tất cả các tổn thương choán chỗ nội sọ đều có thể gây đau đầu do các mạch máu bị đè đẩy. Đau đầu cũng là triệu chứng của các tổn thương giả u của não. Đau đầu tăng dần hoặc đau đầu mới xuất hiện ở tuổi trung niên hoặc tuổi già cũng là các trường hợp mà bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm nếu không thấy nguyên nhân cụ thể.
Trên thực tế, bệnh đau đầu thường thấy xuất hiện ở bệnh nhân có tiền sử gia đình đau đầu kiểu đau nửa đầu, ở những người bị sang chấn tâm lý, sang chấn cơ thể, thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều, bỏ bữa… Một số người khác là do thức ăn (ví dụ chocolate), hoặc uống rượu.
Xử trí như thế nào khi bị đau đầu?
Khi bị đau đầu, trước mắt có thể nằm nghỉ trong phòng tối, yên tĩnh; uống ngay thuốc giảm đau thông thường (ví dụ aspirin) có tác dụng giảm đau. Các liệu pháp thư giãn như xoa bóp, tắm nước nóng… cũng có tác dụng. Tuy nhiên, nếu đau đầu không chấm dứt hoặc xuất hiện thường xuyên, cần đến bác sĩ để thăm khám, tìm nguyên nhân sẽ giúp cho điều trị đúng, hiệu quả hơn./.