Loại bỏ thủ phạm gây mỡ nội tạng
VOV.VN - Có một loại mỡ dễ hình thành và lại rất nguy hiểm trong cơ thể của chúng ta - đó chính là mỡ nội tạng. Vậy để hạn chế và tránh tích tụ mỡ nội tạng trong cơ thể, chúng ta cần áp dụng chế độ ăn như thế nào?
Hầu hết khi nhắc đến việc giảm cân, giảm mỡ, chúng ta sẽ tập trung chủ yếu vào việc giảm lượng mỡ có thể nhìn thấy. Còn mỡ nội tạng thì lại thực sự nằm trong khoang bụng và không dễ dàng nhìn thấy. Theo BS Nguyễn Hoài Thu - Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng VIAM- Viện Y học ứng dụng Việt Nam, ngoài lối sống tĩnh tại và một số thói quen sinh hoạt không tốt, chế độ ăn thiếu lành mạnh được coi là thủ phạm chính gây nên mỡ nội tạng.
"Việc chúng ta ăn uống không lành mạnh, sử dụng nhiều thực phẩm calo rỗng vì các thực phẩm này chỉ chứa nhiều chất béo ví dụ như các loại đồ ăn chiên rán, các loại đồ đóng hộp và thường chứa nhiều chất béo bão hòa và muối khiến cho chúng ta cân nhiều và mỡ thì nó có thể tích tụ và gây mỡ nội tạng", BS Hoài Thu khẳng định.
Chính vì thế, để loại bỏ mỡ nội tạng lại rất khó khăn. Để giảm lượng mỡ nội tạng cũng như tránh tích tụ loại mỡ này, điều cần thiết là các bạn cần tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Loại bỏ thực phẩm đã qua chế biến, nhiều đường, nhiều chất béo khỏi chế độ ăn uống.
"Cố gắng ăn uống điều độ, hạn chế ăn các thực phẩm nội tạng, thịt gia cầm mình không ăn da, thịt đỏ ăn hạn chế, tăng cường các loại cá tôm, ưu tiên ăn các loài ít chân, gia cầm ăn trung bình, các loài gia súc thì hạn chế trong tuần, ngoài ra, các loại dầu mỡ không nên kiêng quá mức vì các loại dầu có chứa axit béo như omega 3 và omega 6 tốt cho sức khỏe không phải loại bỏ hoàn toàn dầu mỡ ra khỏi bữa ăn"- khuyến cáo của BS Nguyễn Hoài Thu.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, việc sử dụng các phương pháp nấu ăn ít chất béo, như luộc, hấp thay vì chiên, xào cần được khuyến khích. Tất nhiên, một chế độ ăn chứa nhiều rau xanh, vitamin và các tinh bột chứa nhiều chất xơ cũng cần được nghiên cứu để lên thực đơn phù hợp.
"Tinh bột thì ưu tiên các loại gạo có hàm lượng chất xơ cao hơn như các loại ngũ cốc nguyên cám, các loại gạo lứt để tăng hàm lượng chất xơ và quá trình chuyển hóa tinh bột được kéo dài hơn, tránh ảnh hưởng làm cho cholestarol tăng cao. Ngoài ra cần tăng cương các loại rau xanh, hoa quả để tăng hàm lượng vitamin và chất xơ ở trong bữa ăn."- BS Nguyễn Hoài Thu chia sẻ.
Không ít người cho rằng trứng là loại thức phẩm chống chỉ định với người bị mỡ nội tặng hoặc có lượng cholestarol cao, thế nhưng, thực tế lại không hẳn như vậy.
"Trứng cũng có hàm lượng cholestarol tương đối ( khoảng 200mg) trước đây, mức khuyến nghị là có thể ăn 300mg nhưng giờ đây thì không có một khuyến nghị nào về hàm lượng cholestarol mà chúng ta ăn vào. Thế nhưng, cholestarol ở trong trứng lại là cholestarol tốt, chứa nhiều vitamin và có chứa một loại protein tốt cho cơ thểm vì thế cũng không nên kiêng khem trứng trong bữa ăn. Có thể ăn 2-3 quả trứng/tuần"- BS Hoài Thu giải thích.
Một thực đơn đa dạng, phong phú nhưng phải phù hợp chính là giải pháp hữu hiệu để cơ thể không hình thành mỡ thừa hoặc các loại mỡ không tốt trong cơ thể. Ngoài ra, chúng ta nên hạn chế đường, các thực phẩm có chứa nhiều đường cũng như giảm lượng bia, rượu và đồ uống có cồn xuống mức thấp nhất.