Lợi hại của cà phê
Hiện nay nhiều loại thức uống năng lượng có bổ sung hàm lượng đáng kể caffeine đã làm nhiều người lo ngại vì chúng ảnh hưởng trên thần kinh của lứa tuổi học đường.
Uống cà phê không gây tử vong do quá liều. Nhưng nếu dùng ở dạng caffeine tinh khiết (pure caffeine) có thể dẫn đến quá liều (1 muỗng cà phê tinh khiết tương đương với 28 tách cà phê) nên Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo tuyệt đối tránh dùng loại này.
Cà phê là một thức uống rộng rãi, ai cũng có thể uống. Thống kê cho thấy 83,2% thanh thiếu niên thường xuyên sử dụng đồ uống có caffeine và 96% được xem là thỉnh thoảng.
Những lợi ích từ cà phê
Mỗi ngày hàng triệu người dùng cà phê để tăng sự tỉnh táo, giảm mệt mỏi, tăng cường sự bền bỉ của cơ thể trong luyện tập thể thao, cải thiện trí óc giúp tăng cường trí nhớ và sự tập trung.
Uống cà phê cũng được chứng minh là giảm cân (nhờ trấn áp sự thèm ăn), ngăn ngừa nguy cơ bệnh Alzheimer, Parkinson, đột quỵ, sỏi thận, đái tháo đường type 2, bảo vệ võng mạc và ngăn ngừa đục thủy tinh thể.
Cà phê có chứa nhóm polyphenol thiên nhiên có tác dụng chống oxy hóa tế bào nhờ đó ngừa được các trường hợp ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư miệng, vòm họng, ung thư gan và ung thư da.
Những tác hại từ cà phê
Việc lạm dụng quá nhiều cà phê hoặc những loại đồ uống có chứa caffeine có thể gây ra nhiều tác hại trầm trọng cho sức khỏe, nhất là đối với trẻ em.
- Lo âu và trầm cảm: một nghiên cứu trên 234 học sinh trung học ở Hàn Quốc cho thấy việc tiêu thụ nhiều caffeine đã làm các em tăng trọng lượng cơ thể nhanh nhưng lại tỉ lệ nghịch với thành tích học tập và mức độ trầm cảm cũng tăng, chẳng hạn như căng thẳng, lo âu, bồn chồn, các vấn đề về giấc ngủ, rối loạn tiêu hóa, run rẩy, tăng nhịp tim và thậm chí tử vong.
- Có hại cho thai nhi, do caffeine có thể ngấm qua nhau thai và đi đến thai nhi, các nghiên cứu cũng chứng minh uống nhiều cà phê trong thai kỳ có thể tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, thai nhi chậm phát triển, nhịp tim thai bất thường, trẻ nhẹ cân.
- Mất ngủ, đau đầu, chứng ợ nóng dạ dày, chứng tiểu không kiểm soát và gây tăng cảm giác nóng ran, đổ mồ hôi ban đêm ở các phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Dùng liều lượng ra sao?
- Người lớn trưởng thành, theo FDA khuyến cáo, lượng tiêu thụ tối đa là 400mg caffeine mỗi ngày, tương đương 2-3 tách cà phê. Thanh niên 80-100mg (khoảng 1 tách trong ngày). Trẻ em, phụ nữ mang thai không dùng. Người già hạn chế.
Caffeine được lấy từ thực vật như cà phê, lá trà, hạt ca cao, hạt guarana... được chế biến thành các loại nước tăng lực, bánh kẹo, xi rô, nước ngọt, thức uống có gas.
Ước tính một tách cà phê chứa khoảng 95 - 200mg, một lon cola 35 - 45mg, một lon thức uống năng lượng 70 - 150mg, một tách trà 14 - 60mg.
Hiện nay nhiều loại thức uống năng lượng có bổ sung hàm lượng đáng kể caffeine đã làm nhiều người lo ngại vì chúng ảnh hưởng trên thần kinh của lứa tuổi học đường.
Một số loại thuốc có thể tương tác với caffeine như thuốc kháng sinh, thuốc giãn phế quản, thuốc lợi tiểu, estrogen, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm vì caffeine có thể làm tăng nguy cơ co giật.