Lợi ích của việc sàng lọc thính lực ở trẻ
VOV.VN - Trẻ bị giảm thính giác nếu không được phát hiện và can thiệp sớm sẽ bị câm, điếc, chậm phát triển trí não
Hiện nay, sàng lọc thính lực là lựa chọn tự nguyện của gia đình và chịu chi phí của kỹ thuật đó. Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản T.Ư áp dụng: Đo điện thính giác thân não tự động (áp dụng cho nhóm trẻ có nguy cơ cao) là 400.000 đồng, đo âm ốc tai kích thích (áp dụng cho nhóm trẻ còn lại) là 100.000 đồng.
Đo kiểm tra thính lực ở trẻ. |
Trẻ bị giảm thính giác nếu không được phát hiện và can thiệp sớm sẽ bị câm, điếc, chậm phát triển trí não dẫn đến gặp khó khăn trong học tập, giao tiếp…
Tại sao trẻ sơ sinh cần được sàng lọc thính lực?
Mất thính lực là khi trẻ mất khả năng nghe một tai hoặc hai tai từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng - là một trong những rối loạn thường gặp nhất so với các rối loạn khác đang được sàng lọc rộng rãi như thiếu máu hồng cầu hình liềm, thiếu men G6PD, phenylketonuria hay suy giáp trạng bẩm sinh…
Đối với trẻ sơ sinh, biểu hiện về thính lực thường chưa rõ ràng. Chúng ta thường nhận thấy trẻ có những biểu hiện phản xạ với âm thanh như giật mình khi nghe tiếng rơi đồ, hoặc lim dim mắt khi nghe tiếng ầu ơ của mẹ… Tuy nhiên, cũng có trẻ trong thời gian mới sinh không bộc lộ rõ những phản xạ đó, khi lớn lên thấy con mình chậm chạp so với các bạn đồng lứa, cha mẹ mới cho con đi khám thì đã lỡ cơ hội điều trị.
Theo bác sĩ Phạm Tuấn Quyết, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh - BV Phụ sản T.Ư, hiện nay, Bệnh viện Phụ sản T.Ư áp dụng thường quy chương trình sàng lọc thính lực đối với tất cả các bé mới sinh, giúp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời trong trường hợp bé có bất thường. Nhìn bề ngoài trẻ sơ sinh, sẽ không thể biết được trẻ có bị giảm thính lực hay không, vì vậy cần kiểm tra thính lực cho tất cả các trẻ sơ sinh để có thể sớm phát hiện tình trạng giảm thính lực.
Theo nhiều nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có đến 3 - 4 trẻ bị giảm thính lực bẩm sinh. Đối với trẻ có nguy cơ cao thì tỷ lệ giảm thính lực cao gấp 4 - 5 lần. Vì vậy sàng lọc giảm thính lực nên thực hiện rộng rãi và thường quy.
Nên kiểm tra thính lực cho trẻ sơ sinh khi nào?
“Thời gian vàng” là trước 6 tháng tuổi, trẻ bị giảm thính lực nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, những trẻ này có khả năng hồi phục, có thể nghe, nói và phát triển như trẻ bình thường”, bác sĩ Quyết phân tích.
Theo các chuyên gia y tế, việc sàng lọc thính lực ở trẻ sơ sinh được thực hiện càng sớm càng tốt, hoặc chậm nhất là 3 tháng sau khi sinh. Đặc biệt đối với trẻ có yếu tố nguy cơ cao như: trẻ sinh non tháng, nhẹ cân; trẻ bị bệnh nặng ngay sau sinh; trẻ bị dị dạng ở đầu, tai, mặt; trẻ bị viêm màng não hoặc viêm não; trẻ bị vàng da nặng phải truyền máu; mẹ bị nhiễm một số siêu vi khuẩn trong thời kỳ mang thai (như bị rubella, cúm, sởi…); trong gia đình có người bị giảm thính lực… Nếu trẻ được phát hiện mất thính lực muộn (từ 2 - 3 tuổi) có thể gặp khó khăn trong phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức so với các trẻ bình thường, có thể phải gánh chịu những khuyết tật vĩnh viễn như bị câm, điếc.
Một số cha mẹ có quan niệm, trong gia đình không ai có tiền sử mắc bệnh về tai, hoặc lo sợ khám sẽ tốn kém và gây đau đớn cho con nên dễ bỏ qua việc khám sàng lọc. Về vấn đề này, bác sĩ Quyết khẳng định, việc kiểm tra thính lực ở trẻ sơ sinh rất đơn giản, không đau, chỉ trong khoảng từ 5 - 7 phút nếu trẻ ngủ ngon hoặc nằm yên. Gia đình sẽ nhanh chóng nhận được kết quả. Sàng lọc thính lực được thực hiện bằng 2 phương pháp: Đo điện thính giác thân não tự động và đo âm ốc tai kích thích. “Chúng tôi kết hợp với BV Nhi T.Ư và Khoa Thính lực của một số bệnh viện khác để cùng nghiên cứu, cùng chẩn đoán những bước tiếp theo rồi đưa ra các phương pháp để điều trị đối với những trường hợp bị nghi ngờ giảm thính lực. Tùy vào mức độ bệnh, nếu phát hiện giảm thính lực sớm, có thể áp dụng phương pháp đeo máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai cho trẻ”. BS Quyết cho biết./.