Mối nguy hiểm khi bệnh nhi bị viêm não do siêu vi
VOV.VN -Viêm não do siêu vi được đánh giá là bệnh rất nặng, thường để lại các di chứng về vận động, ngôn ngữ, nặng nhất là phải sống đời sống thực vật.
Thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM cho thấy, số lượng bệnh nhi bị viêm não do siêu vi đã gia tăng trong các tháng gần đây.
Tại khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện đang có 10 trẻ em nằm điều trị bệnh viêm não do virus. Con số này có sự gia tăng vì các tháng trước trung bình chỉ có khoảng 2-3 trẻ một tháng.
Theo thông lệ, lượng bệnh nhi bị bệnh này bắt đầu tăng dần từ đầu tháng 5 kéo dài cho đến tháng 10 hàng năm. Cao điểm, có khi cùng lúc có khoảng 70 trẻ phải nhập viện điều trị do viêm não siêu vi. Trung bình một năm có từ 200 – 300 trẻ bị viêm não siêu vi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Viêm não do siêu vi được đánh giá là bệnh rất nặng, thường để lại các di chứng về vận động, ngôn ngữ, nặng nhất là phải sống đời sống thực vật. Khoảng 60% bệnh nhi khi bị virus tấn công lên não bộ phải nằm thở máy.
Thời gian điều trị cho một trường hợp viêm não thường kéo dài rất lâu, có khi đến vài tháng. Điều nguy hiểm là bệnh diễn tiến rất nhanh, có khi trẻ tử vong chỉ trong vòng 24 giờ. Trong số những trẻ bị viêm não do siêu vi thì có nhiều trẻ chưa được tiêm chủng vắc xin hoặc tiêm không đủ số mũi tiêm theo quy định.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Đối với trẻ bị viêm não, màng não thì sợ nhất là trẻ phải sống đời thực vật. Di chứng đó kéo dài nhiều năm. Bên cạnh đó là trẻ không lanh lợi, tay chân yếu đi. Trẻ cũng bị giảm thính lực, bị điếc hoặc bị động kinh”./.