Món ăn, nước uống trị tiêu chảy ở trẻ

Khi đi phân sống kéo dài, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, cơ thể thiếu nhiều vitamin dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa và quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng.

Tiêu chảy và phân sống là bệnh thường gặp ở trẻ từ 1 – 5 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 2 – 3 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do ăn uống không hợp lý hoặc do nhiễm khuẩn đường ruột, hoặc do trẻ bị viêm phổi, viêm tai giữa và một số bệnh nhiễm khuẩn khác gây nên.

Khi đi phân sống kéo dài, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, cơ thể thiếu nhiều vitamin dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa và quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng. Theo y học cổ truyền, nguyên nhân có thể do nhiễm gió lạnh, khí hậu nóng ẩm; do tạng lách, dạ dày, thận hư suy. Sau đây là một số món ăn, nước uống tốt cho trẻ khi bị tiêu chảy, phân sống.

Cháo thảo quả: thảo quả 5g, gừng tươi 3g, gạo tẻ 30g, bột gia vị vừa đủ. Thảo quả, gừng tươi cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, chắt lấy nước bỏ bã. Gạo xay nhỏ cho vào nước thảo quả đun thành cháo, trước khi ăn cho bột gia vị vào. Ăn ngày 2 lần lúc đói. Cần ăn liền 2 - 3 ngày.

Cháo rau sam: rau sam 30g, búp ổi non 20g, quả hồng xiêm non 10g, gạo 30g, gia vị vừa đủ. Rau sam, búp ổi, quả hồng xiêm non cho vào nồi thêm nước đun sôi thật kỹ, chắt lấy nước bỏ bã. Gạo xay thành bột mịn, cho vào nước rau sam quấy đều, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín cho bột gia vị vào. Ăn ngày 2 lần lúc cháo nóng, khi đói. Cần ăn liền 2 - 3 ngày.

Cháo cà rốt, ô mai: cà rốt, ô mai mơ 5 quả, gạo 50g. Cà rốt mài thành bột, ô mai bóc lấy vỏ giã nhỏ, gạo rang vàng xay thành bột. Tất cả cho vào nồi thêm nước vừa đủ, quấy đều trên lửa nhỏ, cháo sôi kỹ là được. Chia 2 lần ăn trong ngày lúc đói. Cần ăn liền 2 - 3 ngày.

Cháo cà rốt

Cháo hạt sen: hạt sen 100g, củ mài 50g, quả hồng xiêm non 15g, đường phèn 20g. Quả hồng xiêm non giã dập cho vào nồi thêm nước vừa đủ đun sôi kỹ, chắt lấy nước bỏ bã. Hạt sen, củ mài sấy khô tán bột, cho vào nước quả hồng xiêm quấy đều đun trên lửa nhỏ, cháo sôi kỹ cho đường phèn vào đun tiếp khi tan hết đường là được. Chia 3 lần ăn trong ngày, lúc đói, khi cháo nóng. Cần ăn liền 2 - 3 ngày.

Cháo táo: táo to 1 quả (150g), gạo 100g, đường phèn 20g. Táo gọt bỏ vỏ giã nhỏ, gạo xay thành bột. Cho cả hai thứ vào nồi thêm nước vừa đủ quấy đều, đun trên lửa nhỏ, cháo chín cho đường phèn vào đun tiếp khi tan hết đường là được. Chia 2 lần ăn trong ngày lúc đói. Cần ăn liền 2 - 3 ngày.

Nước nụ sim:

nụ sim 20g, lá ổi 10g. Lá ổi rửa sạch thái nhỏ sao vàng. Nụ sim phơi khô, cho cả hai vào nồi, thêm nước đun sôi thật kỹ, chắt lấy nước, bỏ bã. Chia 3 lần uống trong ngày trước khi ăn, cần uống liền 2 - 3 ngày.

Nước nụ vối: nụ vối 20g, vỏ lựu 10g, gừng 2g. Nụ vối, vỏ lựu, gừng rửa sạch cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, chắt lấy nước bỏ bã. Chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống 2 - 3 ngày.

Nước gạo rang: gạo tẻ 30g, nụ vối 10g, riềng 5g. Gạo rang vàng, nụ vối, riềng sấy khô, tất cả cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, đem ủ kín vùi vào cát, sau 15 -20 phút chắt lấy nước, bỏ bã, chia 3 lần uống trong ngày lúc đói. Cần uống liền 2 - 3 ngày.

Lưu ý: Bệnh nhân cần ăn uống các chất dễ tiêu hóa như cháo gạo, sữa tách bơ, nước cơm… Không ăn các thức ăn có nhiều dầu mỡ, các món xào rán, thức ăn sống lạnh, nên ăn ít một, ăn nhiều bữa. Nếu trẻ tiêu chảy nhiều lần cần đến bác sĩ khám và điều trị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên