Mống mắt là gì, có thay đổi theo thời gian?
VOV.VN - Việc lấy mống mắt làm cơ sở dữ liệu nhận dạng trong căn cước công dân đang được nhiều người dân quan tâm.
Quốc hội vừa thông qua Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7/2024. Trong đó, ngoài ảnh khuôn mặt, vân tay, ADN, giọng nói; nghề nghiệp… thì mống mắt được lấy làm thông tin sinh trắc học phục vụ cho dữ liệu căn cước.
Mống mắt được gọi là gì?
Bác sĩ CKII Đào Thu Huyền - Trưởng khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thông tin, mống mắt là cấu trúc hình vành khăn nằm trong mắt, chính giữa của nó là hình tròn được gọi là đồng tử.
Mặt trước mống mắt là giới hạn sau của tiền phòng, mặt sau có màu nâu sẫm đồng nhất là giới hạn trước của hậu phòng. Mống mắt có công dụng thay đổi đường kính của đồng tử qua đó giúp điều chỉnh lượng ánh sáng vào mắt.
Quan sát qua kính hiển vi, mống mắt bao gồm 3 lớp. Lớp nội mô ở mặt trước, liên tiếp với lớp nội mô của giác mạc.
Lớp đệm là tổ chức xốp bên trong có hai loại sợi cơ trơn là cơ vòng đồng tử có tác dụng làm co đồng tử. Bộ phận này do dây thần kinh số III chi phối và cơ nan hoa tác dụng làm dãn đồng tử, do dây thần kinh giao cảm chi phối. Ở lớp này còn có tế bào mang sắc tố quyết định màu sắc mống mắt.
Lớp biểu mô ở mặt sau, gồm những tế bào mang sắc tố xếp rất dày đặc làm cho mặt sau của mống mắt có màu nâu sẫm.
Ở trong bóng tối, cơ nan hoa của mống mắt co làm đồng tử mở rộng ra để thu nhận ánh sáng, còn khi ra trời nắng, cơ vòng đồng tử co làm đồng tử thu nhỏ lại để tránh chói mắt.
Màu mắt được quyết định bởi màu của mống mắt, hay gặp là xanh lam, nâu, đen. Phần lớn người Đông Á, Đông Nam Á, châu Phi mắt nâu đậm, trong khi người châu Âu, Tây Á, châu Mỹ mắt nâu nhạt và 8-10% dân số trên thế giới sở hữu mắt xanh, chủ yếu là người châu Âu.
Bác sĩ Huyền cho biết, cấu tạo của mống mắt tinh vi hơn vân tay, mỗi người có một mống mắt khác nhau, kể cả anh chị em sinh đôi cũng không có chung một cấu tạo mống mắt nên có thể đưa vào làm dữ liệu định danh cá nhân.
Mống mắt có thể thay đổi không?
Vị bác sĩ phân tích việc lấy mống mắt làm cơ sở dữ liệu có thể gặp một số hạn chế, bởi những hình ảnh liên quan đến mống mắt thường rất nhỏ, cần máy móc tinh vi mới chụp được, sẽ gây tốn kém thêm chi phí.
“Ở thành phố hoàn toàn có thể chụp được nhưng tại các địa phương vùng sâu vùng xa để khó có đủ điều kiện thực hiện”, bác sĩ Huyền đánh giá.
Điều bất lợi thứ hai, cấu trúc mống mắt không cố định như các cấu trúc khác, nó bị phụ thuộc vào ánh sáng, bệnh lý.
Khi gặp ánh sáng mạnh cơ vòng đồng tử co, tức là đồng tử sẽ co nhỏ lại, mống mắt được dàn phẳng. Ngược lại khi ánh sáng yếu, đồng tử dãn ra, mống mắt tạo thành các nếp gấp.
“Bạn có thể gặp trường hợp cấu trúc mống mắt lần một chụp căn cước khác lần thứ hai, nếu không cùng điều kiện ánh sáng, nó sẽ khó khi so sánh dữ liệu cá nhân”, vị trưởng khoa Mắt chia sẻ.
Bên cạnh đó, những người có bệnh lý bất thường về mắt đến giai đoạn tiến triển trầm trọng có thể làm thay đổi cấu trúc của các lớp mô tế bào của mống mắt, hoặc khi các môi trường trong suốt phía trước bị đục như viêm, sẹo giác mạc, mộng thịt xâm lấn giác mạc trung tâm… sẽ không thể chụp được mống mắt.
Với những nhóm người có thể bị thay đổi hình dạng và màu sắc mống mắt như nêu trên, có thể tích hợp thêm dấu vân tay, các dấu hiệu đặc trưng khác như vân tay, vết sẹo trên cơ thể, nhiều yếu tố khác để nhận dạng.