Nên uống gì khi bị ho?
VOV.VN - Ho là triệu chứng phổ biến liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, gây khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khoẻ.
Sử dụng một số loại đồ uống từ gừng, mật ong, trái cây, bạc hà… có thể giúp giảm cảm giác ngứa họng, giảm ho hiệu quả
Gừng và mật ong: Gừng có thể làm dịu cơn ho bằng cách làm tan đờm, ấm họng, kháng khuẩn. Trong khi đó, mật ong có tính sát khuẩn, kháng viêm cao, có thể làm giảm ho cấp tính ở trẻ em và người lớn hiệu quả.
Nước ép trái cây, rau củ có thể giúp hạn chế tình trạng mất nước, làm loãng đờm giúp đờm dễ tống ra ngoài cơ thể, giảm cơn ho đáng kể. Không những thế, vitamin trong các loại trái cây, rau củ còn làm tăng cường miễn dịch cho người bệnh.
Nước táo ấm: Táo có tác dụng nâng cao sức đề kháng tổng thể, giúp cơ thể chống chọi với bệnh nhiễm trùng gây ho, đồng thời có thể làm dịu và giảm ứ đờm.
Nước ép dứa: Dứa chứa enzyme Bromelain, có tác dụng giảm đau, kháng viêm, giúp giảm đau họng, ứ đờm.
Nước củ cải trắng: Được biết đến với công dụng long đờm, tiêu viêm, làm dịu cổ họng đang kích ứng, củ cải trắng có thể hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp, viêm họng, các triệu chứng ho, đau họng, khàn giọng, mất tiếng…
Nước chanh ấm: Nước chanh chứa nhiều vitamin C, vừa giúp tăng cường sức đề kháng, vừa giúp long đờm. Khi kết hợp chanh ấm cùng với mật ong, người bị ho sẽ cảm thấy dễ chịu cổ họng hơn, dễ khạc đờm hơn.
Nước ấm: Về cơ bản, việc uống nhiều nước ấm là cần thiết đối với người bị ho khan hay ho có đờm. Nếu bị ho khan, nước có vai trò cấp ẩm cho cổ họng, giúp cổ họng ít bị kích thích hơn, hạn chế cơn ho khan. Đối với bệnh nhân ho có đờm, nước ấm giúp long đờm, từ đó giúp tống đờm ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn.
Tắc chưng đường phèn: Quả tắc (quả quất) chứa nhiều tinh dầu và các hoạt chất giúp kháng viêm, kháng khuẩn, kháng virus, giúp trị ho, long đờm hiệu quả. Vì vậy, để giảm ho, có thể rửa sạch rồi cắt đôi một vài quả tắc, sau đó đem hấp cách thủy với đường phèn và uống trong ngày ngay khi còn ấm.
Nước lá hẹ: Đặc tính mát và tác dụng tiêu độc, long đờm cùng các hoạt chất kháng sinh của hẹ đưa lại lợi ích trị ho, có thể dùng hẹ nấu canh hoặc chưng hẹ với đường phèn để uống trị ho tại nhà.
Nước tỏi: Tỏi có tính kháng khuẩn, kháng virus, kháng viêm hiệu quả, giúp loại bỏ nhiễm trùng có trong phổi và hệ hô hấp. Không những thế, tỏi còn giúp nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Trà bạc hà: Lá bạc hà nổi tiếng với đặc tính chữa bệnh của chúng. Người ta không chỉ tìm thấy bạc hà trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống, mà tinh dầu bạc hà còn có thể giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh, làm dịu cơn ho.
Trà húng tây: Lá húng tây có thể chứa các hợp chất gọi là flavonoid giúp thư giãn các cơ cổ họng liên quan đến ho và giảm viêm.