Nghiên cứu cho thấy kẽm có thể giúp giảm bớt cảm lạnh hoặc cúm
VOV.VN - Cảm lạnh thông thường và cảm cúm thường phổ biến hơn vào những tháng mùa đông. Bạn có thể làm gì để giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm virus này? Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí BMJ Open gợi ý, tăng lượng kẽm của bạn có thể hữu ích.
Nghiên cứu do bà Jennifer Hunter, Phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe NICM của Đại học Western Sydney (Úc) dẫn đầu, cho thấy kẽm có thể ngăn ngừa các triệu chứng và rút ngắn thời gian mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus như cảm lạnh thông thường và các bệnh tương tự như cúm.
Nguyên nhân phổ biến của nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm các virus đường hô hấp: virus Rhino, virus Adeno, virus Parainfluenza và virus cúm. Do chúng ta ở trong nhà thường xuyên hơn trong mùa đông, nên virus sẽ dễ dàng truyền từ người này sang người khác hơn. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết không khí lạnh, khô có thể làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể chống lại những vi trùng này.
Tác dụng bảo vệ của kẽm
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phân tích 28 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với hơn 5.000 người trưởng thành ở mọi nhóm tuổi tham gia. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng kẽm làm giảm nguy cơ mắc các triệu chứng liên quan đến cảm lạnh thông thường (28%) và mắc bệnh giống cúm (68%). Ngoài ra, họ phát hiện, kẽm giúp rút ngắn thời gian của các triệu chứng khoảng 2 ngày cũng như giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng xung quanh đỉnh bệnh.
Tuy nhiên, việc giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng tổng thể là không đáng kể và tác dụng bảo vệ của kẽm là rất ít khi những người tham gia bị nhiễm virus Rhino. Vai trò của kẽm trong việc ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng thường chỉ được xem xét đối với những người thiếu kẽm, nhưng nghiên cứu mới đã bác bỏ quan điểm này. Tuy nhiên, bà Hunter cảnh báo, kết quả nghiên cứu này không áp dụng cho bệnh COVID-19.
Tác dụng phụ của các sản phẩm kẽm
Nghiên cứu cho thấy nguy cơ gia tăng các tác dụng phụ không nghiêm trọng liên quan đến lượng kẽm như buồn nôn hoặc kích ứng miệng và mũi ở một số người tham gia. Trong khi đó, nguy cơ của các tác dụng phụ nghiêm trọng là rất thấp (chẳng hạn như thiếu đồng do uống kẽm và mất khứu giác do bổ sung kẽm dưới dạng thuốc xịt mũi và gel).
Bà Hunter cho biết các sản phẩm kẽm nói chung là an toàn. Công thức kẽm gluconat hoặc kẽm axetat hầu hết được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng./.