Người dân vẫn còn chủ quan với bệnh tiêu chảy
VOV.VN - Tiêu chảy là bệnh phổ biến và dấu hiệu dễ nhận biết nên các bậc phụ huynh thường chủ quan, chỉ đưa con đến bệnh viện khi bệnh đã nặng.
Các tỉnh miền Nam đang trong giai đoạn chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa. Tuy nhiên, do nhiệt độ vẫn còn rất cao, nhiều trẻ phải nhập viện vì bệnh tiêu chảy .
Bệnh tiêu chảy có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng nhiều nhất là vào thời điểm nắng nóng. Bệnh thường do 2 nguyên nhân chính: do nhiễm các loại vi khuẩn có trong thức ăn, nước uống hoặc do nhiễm virus. Khi thời tiết nắng nóng, sức đề kháng giảm, trẻ em dễ bị nhiễm các loại bệnh do virus. Cũng do quá nắng nóng, thức ăn dễ bị ôi thiu tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn phát triển. Thói quen sử dụng nước đá để giải nhiệt khi thời tiết quá nóng cũng khiến cho trẻ mắc bệnh tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn có trong nước đá.
Tại các Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh , số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị các bệnh về tiêu chảy chiếm đa số trong các bệnh về đường tiêu hóa. Ở thời điểm hiện tại, số lượng bệnh nhi dù không phải ở mức cao nhất trong năm nhưng có sự gia tăng so với các tháng trước.
Chị Nguyễn Thị Loan, ở quận Tân Phú đưa con gái 7 tháng tuổi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Bé ở nhà một ngày đi tiêu chảy cả chục lần mà quấy khóc, uống sữa là ói ra, đêm ngủ không được, mất nước, người khó chịu, có khi sốt nhẹ. Cháu bị cả tuần mới đưa vào bệnh viện. Nguyên nhân là do lây từ một trẻ khác do bà ngoại bế rửa vệ sinh. Rồi ông bà và ba mẹ đều bị tiêu chảy luôn.”
Do tiêu chảy là bệnh phổ biến và dấu hiệu dễ nhận biết nên các bậc phụ huynh thường chủ quan, chỉ đưa đến bệnh viện khi bệnh đã nặng. Chị Lê Thị Liễu, có con gái 11 tháng tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 nói: “Cháu đi lỏng một ngày 20 lần. Không ăn uống gì được. Đi khám ở phòng khám tư thì được chẩn đoán là viêm ruột, cho uống thuốc rồi 2 ngày sau lên tái khám thì được cho biết là tiêu chảy cấp nhưng uống thuốc không thấy thuyên giảm nên cho con nhập viện.”
Các bác sĩ cho biết, để phòng ngừa bệnh tiêu chảy do virus, bệnh nhi nên uống vắc xin ngừa Rotavirus – là chủng virus phổ biến nhất gây tiêu chảy tại Việt Nam. Ngoài ra, để tránh bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn, phụ huynh nên đảm bảo cho các cháu sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ, từ nguồn thức ăn đến nước uống, nước tắm và cả ly, cốc để uống nước hàng ngày.
Trẻ nhập viện điều trị tiêu chảy tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM . |
Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Khi trẻ bị tiêu chảy thì 2 nguy cơ là mất nước dẫn đến sốc tử vong và nếu dinh dưỡng không thích hợp thì trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, sau đó thì sẽ dễ bị tiêu chảy hơn trẻ khác. Để ngừa 2 nguy cơ này, phụ huynh cần lưu ý 3 nguyên tắc: uống nhiều nước để ngừa mất nước hoặc để bù nước; ăn nhiều; cần biết khi nào đưa đến bệnh viện để tránh tình trạng quá nặng.
Bác sĩ cũng lưu ý phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện khi trẻ bị tiêu chảy thường xuyên 2 ngày không giảm, kèm theo một trong các triệu chứng sau: Trẻ lừ đừ, li bì, khó đánh thức; phân có máu; co giật; sốt cao không hạ, ói xong không khỏe; trẻ khát nước nhưng càng uống càng quấy khóc và tiêu chảy./.