Nguy cơ tiềm ẩn từ ăn uống trong mùa nắng nóng bạn nên biết
VOV.VN - “Nhiệt độ từ 37- 40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người”.
Đây là cảnh báo của thạc sĩ Lưu Liên Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VIAM - Viện Y học ứng dụng Việt Nam về những nguy cơ tiềm ẩn từ ăn uống mùa nắng nóng.
Những loại vi khuẩn này khi ở trong môi trường nắng nóng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Chẳng hạn như vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả...
Mùa nắng nóng, ăn uống cần đảm bảo vệ sinh, tránh ngộ độc thực phẩm. |
Thạc sĩ Lưu Liên Hương cho biết: Trong tiết trời nóng ẩm, ruồi nhặng và vi khuẩn dễ sinh sôi khiến thức ăn bị bẩn và ôi thiu nhanh. Nếu không cẩn thận sẽ dễ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy, nhất là khi nhiệt độ kéo dài ở mức 37 - 38 độ C. Trong mùa nắng, ruồi, muỗi, chuột, gián cũng phát triển nhiều hơn nên dễ làm lây lan các mầm bệnh qua thực phẩm và nước uống.
“Căn bệnh thường gặp nhất là tiêu chảy. Tiêu chảy thường là dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột; do nhiễm vi khuẩn gây bệnh tả, thương hàn, kiết lỵ; Virus đường ruột: Rotavirus; Ký sinh trùng đường ruột. Ngoài ra, có thể do nhiễm độc hóa chất, dị ứng thức ăn”, bà Lưu Liên Hương cảnh báo.
Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa, chủ yếu là đường phân - miệng qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn: Do thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh; Do không rửa tay, vệ sinh dụng cụ chế biến thức ăn; Do không bảo quản thức ăn đúng cách (ruồi nhặng bâu đậu, thức ăn để lâu, để ở nhiệt độ không đúng quy định).
Ngộ độc thực phẩm cấp tính thường xảy ra ngay sau khi ăn phải thức ăn bị ô nhiễm, với các biểu hiện như đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn ói liên tục, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... Ngộ độc cấp tính thường do ăn phải thức ăn có nhiễm vi sinh vật hay hóa chất với số lượng lớn. Thạc sĩ Lưu Liên Hương khuyến cáo: “Khi bị ngộ độc thực phẩm, người thân cần có biện pháp sơ cứu, làm cho người bị ngộ độc nôn thức ăn ra bằng cách tạo phản xạ nôn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân lơ mơ không tỉnh táo hoặc có co giật thì không được gây nôn, đề phòng bệnh nhân sặc. Sau khi sơ cứu tại chỗ, bệnh nhân nên được chuyển đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời”.
Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh, theo bà Liên Hương, phải chú ý cả hai mặt lợi và hại của chiếc tủ lạnh. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Vì thế nếu dự trữ quá nhiều thực phẩm, không khí lạnh không lưu thông được sẽ làm thực phẩm nhanh hỏng hơn. Cần sơ chế thực phẩm trước khi bảo quản trong tủ lạnh, không để thực phẩm chín chung với thực phẩm sống vì dễ bị lây nhiễm chéo... làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm. Một nguyên tắc chung là giữ thực phẩm sống như thịt, cá… được bao phủ ở dưới cùng của tủ lạnh và thức ăn nấu chín ở trên cùng. Bằng cách đó, nước từ thịt sống không chảy xuống thực phẩm đã chín.
Để đảm bảo ăn uống an toàn thực phẩm trong mùa nắng nóng, thạc sĩ Lưu Liên Hương khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm.
Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm bảo đảm vệ sinh; đặc biệt là thực hiện “ăn chín, uống sôi”./.