Sai lầm cần tránh khi hiểu sai về răng sữa
VOV.VN - Răng sữa cũng có tác dụng nhai thức ăn như răng vĩnh viễn. Nếu bị rụng sớm, khả năng nghiền nát thức ăn bị hạn chế khiến bé kém tiêu hóa.
Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, sức khỏe răng miệng trẻ em cũng ngày càng được quan tâm. Tuy vậy, nhiều bậc phụ huynh cho rằng: “răng sữa chỉ là tạm thời, ít chức năng và không quan trọng”.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa răng Hoàng Bảo Duy khẳng định điều đó thật là sai lầm. Răng sữa cũng có tác dụng nhai thức ăn như răng vĩnh viễn. Răng sữa bị rụng sớm, khả năng nghiền nát thức ăn bị hạn chế khiến bé kém tiêu hóa.
Bộ răng sữa có vai trò quan trọng nên các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc chăm sóc và giữ gìn răng (ảnh:KT) |
- Tiêu hóa: Từ tháng thứ 6 khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bộ răng sữa giúp trẻ cắn, nhai, nghiền nát thức ănviệc giữ một vai trò rất quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn.
- Giữ khoảng: chức năng thứ hai được biết đến của răng sữa là giữ khoảng (giữ chỗ) trên cung hàm cho răng vĩnh viễn sau này mọc lên. Nếu răng sữa bị hỏng và phải nhỗ sớm, mầm răng vĩnh viễn bên dưới chưa lớn kịp nên không mọc ngay được, lỗ nhổ răng sẽ bị bít lại và cứng chắc. Mầm răng vĩnh viễn mọc lên sẽ gặp khó khăn, mọc chậm và đôi khi mọc lệch.
- Kích thích sự tăng trưởng của xương hàm: nhờ có các răng sữa, bé có thể cắn xé và nhai nghiền thức ăn – chính những động tác này góp phần vào việc làm cho xương hàm và xương mặt phát triển.
- Phát âm: nếu như có sự mất sớm các răng sữa phía trước (răng cửa sữa và răng nanh sữa), có thể ảnh hưởng và gây khó khăn cho việc phát âm.
- Thẩm mỹ: Bộ sữa còn giữ chức năng thẩm mỹ cho khuôn mặt trẻ. Một hàm răng đẹp và khỏe mạnh sẽ làm tăng vẻ đẹp của khuôn mặt, làm trẻ tự tin hơn và nụ cười tươi hơn. Khi trẻ tự nhận ra bộ răng xấu xí của mình, trẻ sẽ không mở miệng đủ to khi nói chuyện, làm cho sự phát âm của trẻ bị ảnh hưởng.
Bác sĩ Hoàng Bảo Duy cho biết, do bộ răng sữa có vai trò quan trọng như vậy, nên các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc chăm sóc và giữ gìn răng sữa cho trẻ thật kĩ lưỡng. Hướng dẫn và giúp trẻ tự vệ sinh răng miệng của mình hàng ngày, đồng thời đưa trẻ đi khám răng định kì 6 tháng một lần./.