"Nhiễm Covid cho xong", có thực sự xong như một số người đang nghĩ?
VOV.VN - Thời gian gần đây, một bộ phận người dân tại các đô thị nhất là giới trẻ có tâm lý “nhiễm Covid cho xong” hoặc “trước sau gì cũng mắc Covid” nên có phần lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Vậy, với những người từng nhiễm Covid-19, có thực sự đã “xong”?
Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với PGS. TS Bác sĩ Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng Đại học Y dược TP.HCM xung quanh nội dung này.
PV: Thưa bác sĩ, ông nhận định ra sao về quan điểm “nhiễm Covid-19 cho xong” hay “trước sau gì cũng nhiễm” của một bộ phận người dân hiện nay?
PGS TS Bác sĩ Đỗ Văn Dũng: Tôi thấy không phù hợp và cộng đồng không nên khuyến khích xu hướng đó.
Khi bị nhiễm thì có nguy cơ chuyển nặng thậm chí là tử vong, thứ hai là hội chứng hậu Covid-19 ("long Covid-19" hay "Covid-19 kéo dài" chiếm đến 5%) và tiêm chủng không loại bỏ "long Covid-19" được mà "long Covid-19" sẽ khiến công việc khó khăn khi phải cách ly và mất thu nhập.
Ngoài ra, khi tần suất người bị nhiễm tăng lên sẽ làm quá tải ngành y tế, khi đó người bị Covid-19 nhẹ cũng có nguy cơ, chưa kể các bệnh khác cũng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, nó cũng làm tăng sự xuất hiện của biến chủng, mà nếu chúng ta bị nhiễm liên tiếp sẽ làm giảm khả năng đối phó với biến chủng mới.
PV: Như vậy, mỗi người chúng ta cần ứng xử ra sao để bảo vệ an toàn cho mình cho cộng đồng, thưa bác sĩ?
PGS TS Bác sĩ Đỗ Văn Dũng: Hành vi tốt nhất là gì? Là nếu anh không sợ, tôi cũng không sợ và mọi người cũng không nên sợ nhưng cần thực hiện 5K để tự mình giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc sẽ rất lâu mới mắc hoặc xác suất mắc bệnh thấp.
Khi 5K lỡ không may bị nhiễm thì lượng virus vào người ít hơn khiến mình ít bị biến chứng, ít nguy cơ tử vong, còn hơn là cứ khơi khơi để bị lây nhiễm cao.
Không sợ là tốt nhưng tốt hơn là thực hiện 5K vì nếu bây giờ chủ quan không đeo khẩu trang thì không khác gì đi ngược với xã hội và gây sự hoang mang không tốt cho người khác.
PV: Xin cám ơn bác sĩ!/.