Những bài thuốc chữa bệnh từ cây mía
VOV.VN - Ngoài là thứ nước uống ngon, bỗ dưỡng được nhiều người yêu thích, mía còn là vị thuốc chữa bệnh.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược - cơ sở 3 cho biết, mía là thức ăn mát, ngọt và bổ được nhiều người ưa thích.
Về giá trị dinh dưỡng, các nghiên cứu cho thấy, trong thân cây mía ngoài thành phần cơ bản là các loại đường chiếm khoảng 70%, còn có các chất đạm, chất béo, chất bột, nhiều loại chất khoáng, các vitamin và khoảng gần 30 loại axit hữu cơ. Vì vậy mía không những có vị ngọt dễ chịu hợp với khẩu vị mọi người mà còn cung cấp cho cơ thể năng lượng và những chất dinh dưỡng cần thiết.
Ngoài giá trị ăn uống, mía còn là vị thuốc tốt được nhân dân ta dùng từ lâu đời. Theo Đông y, mía vị ngọt mát, tình bình, tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giải độc, tiêu đờm, chống nôn mửa, chữa sốt, tiểu tiện nước tiểu đỏ và rất bổ dưỡng, nên được dùng để chữa nhiều bệnh.
Bài thuốc thường dùng từ mía
Dưới đây là một số kinh nghiệm dân gian vận dụng nước mía trong điều trị bệnh và bồi bổ sức khỏe:
Chữa ho gà: Mía 3 lóng, rau má 1 nắm, gừng 2 lát. Cho vào 2 bát nước, sắc uống ít một.
Ho, hen do nhiệt, sổ mũi, miệng khô: Mía ép giã lấy nước nấu cháo ăn.
Thanh nhiệt, nhuận hầu họng (khô khát): Mùa đông nấu nước mía uống nóng.
Dưỡng âm nhuận táo, sinh tân chỉ khát, ho khan ít đờm, người bứt rứt, họng khô, táo bón: Nước mía 200 ml, gạo 60 g (nấu cháo xong cho nước mía vào nấu lại cho sôi, ăn nóng).
Dưỡng âm, nhuận phế: Dùng cho người hay ho, nóng rát cổ, giọng nói yếu. Bách hợp 50 g, ngâm nước nấu nhừ sau cho nước mía 100 g và nước củ cải 100 g, uống trước khi đi ngủ.
Chữa bệnh bụi phổi: Nước mía 50 ml, nước củ cải 50 ml, cho mật ong, đường phèn, dầu vừng 1 ít chưng thành cao. Hằng ngày cho 2 lòng đỏ trứng gà đánh đều với cao rồi hấp cơm ăn.
Chữa chứng phát nóng, miệng khô, cổ ráo: Nhai mía nuốt nước hoặc hòa nước cơm mà uống.
Tư âm, dưỡng vị, chống khát, chống nôn mửa: Nước mía 150 ml, nước gừng 5-10 giọt. Uống từng ngụm một, không uống một lúc tất cả.
Trẻ em đổ mồ hôi trộm: Ăn mía, uống nước mía.
Táo bón nhiệt kết đại tràng, thở có mùi hôi, đầy bụng, nước tiểu vàng, nóng, lưỡi vàng mỏng: Vỏ cây đại (cạo vỏ ngoài) 40 g, phèn chua sống tán mịn 8 g, nước mía 300 ml cô đặc. Vỏ cây đại sao tán mịn, trộn 3 thứ luyện thành viên 0,5 g. Mỗi lần uống 8 viên (4 g) sáng sớm và trước khi đi ngủ. Khi thấy đi ngoài được thì thôi.
Chữa phiên vị, ăn vào nôn ra: Nước mía 200 ml, nước cốt gừng 15 ml, trộn đều uống từng thìa nhỏ trong vài ngày. Bài này còn dùng chữa đau dạ dày mạn tính và giải độc cá nóc.
Chữa bàng quang thấp nhiệt, đái rắt, buốt, đục, viêm đường tiết niệu: Mía 1 khúc (300g), mã đề 200g (cả cây), râu ngô 150g. Mía lùi sơ, rửa sạch, cắt khúc chẻ nhỏ. Cho các thứ vào sắc uống.
Mùa nóng trẻ đi tiểu nhiều, đái nhiều lần ít một (đái dắt)là có thấp nhiệt. Cho uống nước mía. Mùa hè nên uống nước mía giải nhiệt.
Bệnh đường tiết niệu, thanh nhiệt lợi thấp: Nước ép mía 500g, hòa nước ép ngó sen tươi 500g. Chia nhỏ uống trong ngày.
Giải say rượu: Uống nước mía hoặc nhai mía nuốt nước.
Nứt kẽ môi miệng: Lấy nước mía bôi ngoài uống trong, hoặc vỏ mía đốt tồn tính trộn ít mật ong bôi vào.
Chữa suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, hay mệt: Nước mía ép 1/2 lít. Trứng gà tươi 2 quả. Nước mía nấu sôi, đập trứng vào, nhắc xuống đậy kín nắp, ăn nóng. Nếu tay chân lạnh thêm lát gừng sống giã nát cho vào nước mía khi sôi.
Người gầy da khô, tóc cháy: Rau má xay 200g, nước dừa xiêm 1 quả, nước mía 1 chén. Có thể thêm mật ong, sữa ong chúa để uống mỗi lần (không pha sẵn), uống trước khi đi ngủ.
Chữa người gầy: Lấy 1 lít nước mía nấu kỹ với chuối khô (mứt chuối) 200g, hai thứ nấu sôi, để lửa nhỏ, đập vào 2 quả trứng gà tươi (mới đẻ), ăn nóng. Tuần dùng 3 lần sẽ thấy hiệu quả.
Phòng hậu sởi: Sắn dây 40g, rau mùi 20g, mía 2 đốt. Dùng 2 bát nước sắc còn 1 bát uống dài ngày trong dịch sởi.
Ngộ độc cá nóc: Nước mía với nước gừng tươi mỗi thứ một ít (nước mía là chính). Chỉ uống để sơ cứu rồi mang đi bệnh viện ngay.
Lưu ý: Mía có nhiều dưỡng chất và tốt, tuy nhiên khi dùng mía làm thuốc trị bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia để tránh gây hại cho sức khoẻ.